
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (Blockchain) và những đột phá công nghệ đang định hình nền kinh tế số toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nhấn mạnh: Việt Nam đã xác định công nghiệp công nghệ số là trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh quốc gia trên không gian mạng. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển bền vững, đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế, cần một khung pháp lý linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời tạo động lực cho đổi mới sáng tạo.
Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách để hoàn thiện dự thảo Luật, giúp luật có tính thực tiễn cao, tránh chồng chéo với các quy định hiện hành và thích ứng nhanh với tốc độ phát triển của công nghệ số.
Theo TS. Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số phiên bản 5.8 đã có cấu trúc logic, bao quát nhiều lĩnh vực quan trọng như AI, Blockchain, dữ liệu lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định mang tính nguyên tắc chung, cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
TS Lê Hồng Hà đề xuất: Bổ sung định nghĩa "hệ sinh thái bán dẫn" để tránh hiểu sai về phạm vi áp dụng. Cụ thể hóa các quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với sản phẩm AI và nội dung số. Xây dựng khung đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo để đảm bảo tính nhân văn trong công nghệ. Quy định rõ về quản lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư trong lĩnh vực tài sản số.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhận xét, với 8 chương và 56 điều, dự thảo lần này về cơ bản khá đầy đủ. Một số cơ chế "đột phá" như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hay khoán chi phí nghiên cứu phát triển đã được cập nhật. Tuy nhiên, còn 16 điều khoản phải chờ hướng dẫn của Chính phủ hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ, điều này có thể khiến Luật khó đi vào thực tiễn ngay sau khi ban hành.
Ngoài ra, nhiều quy định trong dự thảo liên quan đến các luật hiện hành như Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật An ninh mạng... nên cần rà soát kỹ để đảm bảo tính đồng bộ, tránh xung đột pháp lý.
Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao đánh giá cao những đóng góp thẳng thắn, khoa học và thực tiễn từ các chuyên gia, doanh nghiệp. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, tất cả các ý kiến sẽ được tổng hợp và gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ IX (2025).
Với sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Luật Công nghiệp Công nghệ số được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ pháp lý quan trọng, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển nền công nghiệp số tại Việt Nam, đảm bảo một môi trường đổi mới sáng tạo bền vững, minh bạch và hiệu quả.
Minh Phương