Trong bài viết, Tổng Bí thư nêu rõ: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Đây là sự đúc kết sâu sắc của người đứng đầu Đảng ta, là quá trình tổng kết sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ngay sau khi bài viết được đăng tải, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã có nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo về quan điểm này. Họ cho rằng “bài viết là sự đánh bóng tên tuổi của Tổng Bí thư”; “Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội là học thuyết “lạc đường”, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại”; “Cần phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”…
Lời lẽ trên của các thế lực thù địch không đúng với thực tiễn Việt Nam. Bởi vậy, đấu tranh, phản bác, đập tan những luận điệu xuyên tạc quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng là hết sức quan trọng, không chỉ lan tỏa sâu rộng bài viết trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Sau khi nghiên cứu bài viết, chúng ta thấy được tầm cao trí tuệ của người đứng đầu Đảng ta và đó cũng là sự đúc kết quá trình phát triển tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bởi vì, ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định đường lối chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đây là một định hướng chính trị hết sức quan trọng, là phương châm hành động để Đảng ta lãnh đạo nhân dân trong tiến trình cách mạng.
Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, “đổi mới tư duy”, Đảng ta đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết: “Sau Đại hội VI, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ Đại hội”.
Khẳng định trên của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[1]. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[2].
Trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn và Cương lĩnh của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đảng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Do kiên định đường lối đổi mới, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời, thực tiễn sinh động của sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng hùng hồn khẳng định chân lý: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[3].
Như vậy, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng và nhân dân ta dứt khoát lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những khó khăn gặp phải khi lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu lên những yêu cầu, nhiệm vụ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là phải: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”. Đó chính là mục tiêu toàn thể dân tộc Việt Nam hướng tới, là một xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng. Những luận điệu, xuyên tạc bóp méo của các thế lực thù địch không thể làm thay đổi được mục tiêu to lớn đó của dân tộc Việt Nam.
* *
*
Tóm lại, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội ngày càng được thể hiện sinh động, rõ nét trên đất nước Việt Nam ta. Cả về lý luận và thực tiễn đã minh chứng sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn, chứ đâu phải theo một học thuyết “lạc đường” như các thế lực thù địch công kích sau khi bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đăng tải.
Những luận điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sự tổng kết, phát triển tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, với những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Đó là đóng góp to lớn về mặt lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam!
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:http://https://hanoimoi.vn/tu-hao-va-tin-tuong-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-mot-nuoc-viet-nam-ngay-cang-giau-manh-van-minh-van-hien-va-anh-hung-dap-tan-moi-luan-dieu-xuyen-tac-thu-doan-chong-pha-659400.html
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H, 1991, tr.8.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.70.