Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Trong khi nhiều nơi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, dù đang triển khai nhiều dự án quan trọng với hàng trăm phương án thu hồi đất, nhưng đến nay xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất), chưa phải cưỡng chế trường hợp nào. Trong quá trình thực hiện những dự án dân sinh như xây mới trường mầm non, hệ thống giao thông nội đồng, cải tạo ao cá, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến đất, hoặc “ứng” trước mặt bằng cho chủ đầu tư.
Không còn nể nang, né tránh
Có được kết quả đó là nhờ sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến người dân trên địa bàn, trong đó không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của hai đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đây là hai cán bộ không phải là người địa phương được Huyện ủy Thạch Thất điều động, luân chuyển về từ năm 2021 và 2022, sau khi xã Lại Thượng có nguy cơ trở thành “điểm nóng” về đơn thư, vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh việc củng cố công tác cán bộ, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo để làm căn cứ xử lý, giải quyết những vấn đề tồn tại. Vì không phải người địa phương cùng với sự công khai, minh bạch và quyết liệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã đã dần lấy được niềm tin của nhân dân. “Thời kỳ đầu mới nhận công tác, chúng tôi mất chút thời gian để nắm bắt tình hình, nhưng chúng tôi thấy thuận lợi là cơ bản. Việc không vướng quan hệ họ hàng, người thân quen khi xử lý các vấn đề đã giúp lãnh đạo xã chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, công bằng hơn. Từ thái độ dò xét ban đầu, khi thấy các công việc của xã từng bước đạt kết quả tốt, người dân đã tin tưởng, đồng thuận cao”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khuất Văn Trung chia sẻ.
Xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) trước năm 2022 là địa bàn nằm trong diện “theo dõi” của thành phố Hà Nội vì xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, nhiều cán bộ xã bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Từ thực tế này, Huyện ủy Mê Linh đã quyết định điều động đồng chí Nguyễn Ngọc Liêm, Trưởng ban quản lý di tích Đền thờ Hai Bà Trưng về làm Bí thư Đảng ủy xã. Nhận nhiệm vụ mới, lại không phải là người địa phương, đồng chí Nguyễn Ngọc Liêm bắt tay ngay vào nắm bắt tình hình từ cơ sở; đồng thời tập trung xử lý những sai phạm tồn tại kéo dài. Nổi cộm nhất là vụ việc chợ Yên - một công trình thuộc diện đổi đất lấy hạ tầng, nhưng do công tác quản lý bị buông lỏng, trong khi doanh nghiệp được giao quyền quản lý chợ đã quá thời hạn khai thác chợ lại chây ỳ không bàn giao lại việc quản lý, thu phí sử dụng chợ cho xã, vừa khiến cho ngân sách bị thất thu, vừa khiến dư luận bức xúc. Thường trực Đảng ủy xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và kiên quyết thu hồi bằng được chợ Yên về xã quản lý. Đến nay, vụ việc này đã được giải quyết dứt điểm. Cũng với cách làm ấy, hàng chục công trình vi phạm trật tự xây dựng cũng đã được chính quyền xử lý, giúp ổn định tình hình cơ sở, tăng thêm niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Liêm cho rằng: “Thực tế cho thấy nhiều vụ việc phức tạp, nếu cán bộ chủ chốt là người địa phương, khi chung quanh là người thân, họ hàng sẽ rất khó xử lý vi phạm. Có không ít vụ việc mới chỉ đưa ra bàn rồi “gói lại”, nhất là sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Vì vậy, nếu là cán bộ ở nơi khác sẽ xử lý dứt điểm, không còn tình trạng nể nang, né tránh”.
Không chỉ tại xã Lại Thượng hay xã Tiền Phong, rất nhiều xã tại Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét từ chủ trương bố trí, sắp xếp Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải người địa phương của Thành ủy Hà Nội. Trước đây việc điều động lãnh đạo giữa các xã với nhau rất khó, dẫn đến trì trệ, cản trở sự phát triển của địa phương. Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đánh giá, thực tế tại các nơi để xảy ra sai phạm, nội bộ mất đoàn kết hầu hết đều do năng lực cán bộ không đáp ứng yêu cầu. Nhận diện rõ những hạn chế này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 07-QÐ/TU ngày 17/11/2021 về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố” và đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 50% số Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương.
Hiệu quả từ thực tiễn
Sau gần ba năm thực hiện Quy định số 07 của Thành ủy Hà Nội, kết quả đạt được rất khả quan. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Minh Hải cho biết, hiện nay Mê Linh có 15/18 Bí thư Đảng ủy xã (chiếm 83,83%), 5/18 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (chiếm 27,27%) và sáu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là người địa phương. Việc bố trí cán bộ như vậy không chỉ giúp các xã phát triển mà còn khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, nhất là ở những nơi mất đoàn kết, có vấn đề nổi cộm. Nhờ đó, trong năm 2023, huyện đã tập trung giải quyết được một số việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm như chủ trương giải quyết đất dịch vụ; giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng khu Ao Cá, xã Tráng Việt; vận động nhân dân cơ bản đồng thuận để thực hiện giao mốc giới giai đoạn 1 dự án công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước…
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thạch Thất Đào Xuân Ban cho biết, huyện đã có 10 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và chín đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải là người địa phương. Đến hết năm 2024 sẽ vượt chỉ tiêu 50% số Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không phải người địa phương theo yêu cầu của Thành ủy Hà Nội. “Chỉ cần thấy cán bộ của địa phương có biểu hiện, dư luận không tốt, chưa đến mức “nóng”, hoặc qua đánh giá chất lượng công việc chỉ ở mức “bình bình”, huyện cũng thực hiện điều chuyển ngay” - đồng chí Đào Xuân Ban chia sẻ.
Tại huyện Sóc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Nam Hà cho biết, việc bố trí cán bộ không phải người địa phương đã phát huy tốt hiệu quả. Một số địa bàn trước kia có tình trạng cục bộ, nhiều sai phạm không được giải quyết dứt điểm, nay đã có chuyển biến rõ nét. “Có một số cán bộ lúc đầu mới luân chuyển về cũng gặp không ít khó khăn, nhưng chính bằng năng lực, tâm huyết đã dần khẳng định được mình, được người dân tin tưởng” - đồng chí Nguyễn Nam Hà chia sẻ. Xã Minh Trí của huyện Sóc Sơn trước kia là địa bàn thường xuyên phức tạp về công tác đất đai, nhưng những năm gần đây, nhờ cán bộ chủ chốt không phải người địa phương điều động về, tình hình đã “êm” trở lại. Tại xã Bắc Phú, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được luân chuyển từ huyện về được gần hai năm, nhưng đã phát huy tốt vai trò chỉ đạo, cùng với lãnh đạo xã thực hiện tốt giải phóng mặt bằng hàng loạt dự án giao thông quan trọng trên địa bàn, bảo đảm tiến độ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tế cho thấy, chủ trương đúng đắn này vẫn còn không ít khó khăn trong triển khai. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền sở tại chưa thật sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển đến. Do đó, có cán bộ thời gian đầu mới xuống cơ sở bị “lạc lõng”, gặp khó khăn trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh chia sẻ, một số cán bộ được luân chuyển, tăng cường xuống cơ sở thời gian đầu còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, tâm lý nôn nóng muốn về sớm hơn so với thời hạn quy định. Thậm chí có tập thể, chính quyền còn có tư tưởng cục bộ, không muốn nhận người từ nơi khác về, dẫn đến tình trạng khi cán bộ được giới thiệu để bầu vào chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho rằng, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, việc lựa chọn cán bộ rất quan trọng. “Chúng tôi không chạy theo chỉ tiêu, mà quan trọng là chất lượng, nếu đủ độ chín mới bố trí. Khi cán bộ có năng lực, bản lĩnh, làm việc hết mình vì cái chung thì sẽ phát huy tốt. Lúc đấy, mọi người sẽ không còn tâm lý xét nét, để ý người này, người kia có phải là người xã mình hay không” - đồng chí Nguyễn Nam Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, các huyện cũng tạo điều kiện, không để cán bộ xuống địa bàn một cách đơn độc, mà phân công các đồng chí Thường vụ, Huyện ủy viên phụ trách địa bàn hỗ trợ, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Thường trực Huyện ủy Thạch Thất khẳng định kiên quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo Huyện ủy Thạch Thất cho biết, có xã sau khi được luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đến nhận nhiệm vụ, đã xuất hiện đơn thư đề nghị huyện “rút” cả Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về. Nhưng qua phân tích, thấy cán bộ được điều về làm đúng, huyện khẳng định sẽ hết sức bảo vệ cán bộ được luân chuyển về địa phương. Quan điểm chỉ đạo như vậy là khách quan, dám chịu trách nhiệm, và có như vậy, cán bộ khi được điều động, luân chuyển mới yên tâm công tác, phát huy khả năng để đưa địa bàn phát triển hiệu quả hơn
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Link:https://nhandan.vn/hieu-qua-viec-bo-tri-can-bo-chu-chot-khong-phai-nguoi-dia-phuong-post815752.html