Sign In

Đề cao vai trò giám sát của nhân dân: Hướng tới mục tiêu “dân thụ hưởng”

15:44 02/06/2023
Đề cao vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, hướng tới mục tiêu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã được các địa phương, đơn vị nỗ lực triển khai thực hiện. Qua đó, đã giúp giải quyết nhiều việc nóng, việc khó tại địa phương, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ. Kết luận số 54 của Ban Bí thư vừa ban hành đầu tháng 5 dự kiến sẽ giúp các cấp uỷ Đảng, chính quyền khắc phục những tồn tại hạn chế, giúp người dân được hưởng lợi từ việc phát huy dân chủ ở cơ sở.

Phát huy quyền và trách nhiệm của nhân dân 

Những năm qua, hoạt động giám sát, phản biện của người dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã có góp phần tích cực trong việc xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. 

Kết luận số 54 về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03-10-2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ vừa ban hành đầu tháng 5 vừa qua cho thấy, qua 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái được nâng lên. Việc lắng nghe, tiếp thu, giải quyết ý kiến phản ánh của nhân dân có nhiều chuyển biến…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) phối hợp cùng các ngành liên quan giám sát việc xây dựng một công trình đầu tư công trên địa bàn

Kết quả này thể hiện rõ nét thông qua việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đang thực hiện việc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi). Tính đến ngày 2-4-2023, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu gần 12 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, báo cáo tiếp thu, giải trình của nhân dân dày khoảng 300 trang; báo cáo tổng hợp, phân loại các ý kiến để đối chiếu, so sánh, tiếp thu, giải trình nếu in ra dày khoảng 3.000 trang.

Tại thành phố Hà Nội, hoạt động giám sát phản biện cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, Mặt trận Tổ quốc thành phố đã tăng cường hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… Qua 2 năm tổ chức thực hiện, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 6.521 công trình, dự án, phát hiện 435 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời 418 vụ vi phạm, qua đó, giúp cho việc đầu tư đúng với quy hoạch được duyệt…

Năm 2023, thực hiện chuyên đề Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân”, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố tích cực tham gia hiệu quả việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã đạt được những tiến độ đáng khích lệ. Dự kiến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ bàn giao mặt bằng sạch phục vụ triển khai dự án. 

Những kết quả này đã cho thấy, khi vai trò giám sát, phản biện của nhân dân được phát huy, nhiều vấn đề nóng, vấn đề khó của các địa phương, đơn vị đã được kịp thời giải quyết. Thông qua hoạt động giám sát, phản biện cũng giúp ngăn ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 

Ngăn ngừa những hành vi sai phạm

Triển khai Quyết định số 99-QĐ/TW về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai hoạt động giám sát, phản biện với những việc làm thiết thực, cụ thể. 

Thống kê của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho thấy, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát hơn 20.000 công trình trong năm 2022 và phát hiện một số sai phạm. Tiêu biểu, Ban Thanh tra nhân dân phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) đã kịp thời phát hiện dự án tại ngõ 124 Hoàng Ngân bị bớt xén vật tư xây dựng, kiến nghị UBND phường yêu cầu đơn vị thi công làm đúng thiết kế. Ban Thanh tra nhân dân phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) lại phát hiện 2 hộ dân xây dựng nhà không phép, trái phép, kiến nghị UBND phường cưỡng chế…

Được tham gia Đoàn khảo sát thực tế của Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Nam, cư dân nhà G6A Thành Công, phường Thành Công (quận Ba Đình) đã bày tỏ sự phấn khởi: “Tôi tin tưởng, thông qua việc khảo sát thực tiễn, MTTQ sẽ phản biện trúng, đúng với nguyện vọng của nhân dân”…

Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra thực địa Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm nút giao dự án Vành đai 4 với quốc lộ 6, địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác giám sát, phản biện vẫn còn tồn tại những hạn chế. Kết luận số 54 cuả Ban Bí thư cũng chỉ rõ: vẫn còn tình trạng e ngại hoặc lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp uỷ, tổ chức đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng...

Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó phải thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh, giám sát; Tiếp tục cụ thể hoá phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; thực hiện có hiệu quả pháp luật về dân chủ ở cơ sở…

Để phát huy vai trò giám sát, phản biện của người dân, sau khi thực hiện kiểm tra việc triển khai quy chế dân chủ tại các địa phương, đơn vị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền tiếp tục cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới mục tiêu người dân được thụ hưởng lợi ích từ việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Hoàng Lan - Hoàng Mai

Tag:

File đính kèm