Thế mà những năm gần đây, hình ảnh người cộng sản dường như không còn sức hấp dẫn, dường như đã bị phai mờ”. Trong các nghị quyết, kết luận của các nhiệm kỳ đại hội gần đây, Ðảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật... Chính những cán bộ, đảng viên này đã làm hại thanh danh, uy tín của người cộng sản, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Ðảng.
Uy tín là sự tin tưởng, tín nhiệm giữa cá nhân với cộng đồng, hoặc rộng hơn là giữa tổ chức với xã hội. Khi cá nhân hoặc tổ chức có uy tín, họ có thể cảm hóa, thuyết phục, thu hút mọi người làm theo. Tạo dựng uy tín là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt trong công tác vận động quần chúng, nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.
Ðiều này càng đúng đối với địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi người dân còn có lối nghĩ, cách làm chất phác, chân thật. Thường thì mọi người sẽ nhìn vào uy tín, chức vụ của người vận động, tuyên truyền để quyết định nên hay không nên đặt niềm tin. Người dân tin rằng cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao càng phải giữ uy tín. Vậy nên khi tiếp xúc, làm việc với người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều ý thức cao trong việc giữ gìn hình ảnh, uy tín. Ðó có thể coi là nguyên tắc sống còn đối với công việc, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Tất nhiên, mọi người đều biết rằng uy tín không phải tự nhiên có, cũng không phải vì có chức vụ mà có uy tín. Phải hiểu rõ và kiên định đường lối, chủ trương của Ðảng, có kiến thức, trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị thì người cán bộ, đảng viên mới có thể khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín của mình đối với quần chúng nhân dân.
Là một cán bộ ở cơ sở, tôi rất thấm thía ý nghĩa của quá trình phấn đấu, rèn luyện gian khổ để khẳng định uy tín đảng viên. Xin nêu ra một vài yêu cầu để tạo dựng uy tín đảng viên qua thực tế địa phương. Thứ nhất là tính gương mẫu, thể hiện trước hết ở việc chấp hành nghiêm kỷ luật, gương mẫu trước quần chúng nhân dân, đồng thời còn thể hiện ở tính nguyên tắc thống nhất giữa lời nói và việc làm.
Tính gương mẫu ở người đảng viên còn thể hiện ở lý tưởng sống cao đẹp, luôn có tinh thần hy sinh, nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Thứ hai là tầm hiểu biết, người cán bộ, đảng viên ở cơ sở phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên sâu về công tác mình đang đảm nhiệm, phụ trách. Kiến thức chuyên sâu về công việc đảm nhiệm của cán bộ là nhân tố quan trọng hình thành uy tín, khẳng định năng lực nghề nghiệp.
Ðể có được kiến thức chuyên sâu đòi hỏi phải có sự học tập, rèn luyện thường xuyên. Học từ sách vở, trường lớp rồi cũng phải học ở quần chúng nhân dân. Thứ ba là thường xuyên có sự liên hệ, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân, nhất là trong vận động người dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Với đặc điểm là địa phương miền núi có nhiều cộng đồng các dân tộc chung sống, xã Minh Tâm sau khi mở rộng địa giới hành chính nảy sinh nhiều khó khăn trong giao thông và phát triển các mô hình kinh tế. Một số bản xa trung tâm, người dân có thu nhập thấp.
Thực tế đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên bám nắm cơ sở, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế. Trong trường hợp này, cán bộ, đảng viên càng có uy tín thì việc thuyết phục người dân càng thuận lợi. Mong rằng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được phát hành rộng rãi hơn nữa bởi nó đem lại nhiều giá trị thiết thực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Link:https://nhandan.vn/tien-phong-guong-mau-giu-gin-uy-tin-can-bo-dang-vien-post763093.html