Chiến công trận đầu đã trở thành động lực to lớn cho bộ đội hải quân tiếp tục lập nên nhiều chiến công vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chiến sĩ hải quân tham gia trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2-8-1964 được tặng Bằng khen của Quân chủng Hải quân. Ảnh: TTXVN
Mưu trí, sáng tạo
Theo tài liệu của Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân, đế quốc Mỹ cuối năm 1963, sau thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đã buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, hậu thuẫn cho cuộc đảo chính phế bỏ anh em Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu (ngày 1-11-1963).
Sau đảo chính, tình hình chính trị ở Sài Gòn không những không được cải thiện mà càng rối ren hơn. Nhằm cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới, mở cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Tháng 2-1964, Tổng thống Mỹ Johnson thông qua “Chương trình thử nghiệm 4 tháng”. Thực chất đây là chương trình hoạt động phô trương sức mạnh và tìm cớ để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Trước tình hình đó, với quyết tâm chiến lược của Đảng ta, tháng 12-1963, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã họp bàn về một số vấn đề quốc tế và tình hình nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Ngày 27 đến 28-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị này được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới. Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định thất bại của cuộc “Chiến tranh đặc biệt” là không thể tránh khỏi... Người đã kêu gọi “mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”, đồng thời yêu cầu “Quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân phải luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an, kiên quyết đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng”.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đầu tháng 4-1964, Quân chủng Hải quân trong tâm thế: “Sẵn sàng khi có lệnh là đi, có địch là đánh”.
Đêm 31-7-1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ ngang nhiên tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo và khiêu khích lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động tàu khu trục Maddox vào đêm 31-7, rạng sáng 1-8-1964 đều bị các đơn vị ra đa, quan sát của ta theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên. 0h15 ngày 2-8, ba tàu phóng lôi của Phân đội 3 (gồm các tàu 333, 336, 339) được lệnh rời cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) bí mật hành quân vào Hòn Nẹ (tỉnh Thanh Hóa) để phục kích đón đánh tàu địch. 8h30 ngày 2-8, Phân đội 3 tới Hòn Nẹ phối hợp tham gia chiến đấu với 2 tàu tuần tiễu T142 và T146 của Khu Tuần phòng 1. 13h30 ngày 2-8, tàu khu trục Maddox xâm phạm vào khu vực biển Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa). Sở Chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu và tàu phóng lôi xuất kích tìm tàu của địch. Khi phát hiện tàu địch, cả 3 tàu đã tăng tốc tiếp cận mục tiêu. Địch phát hiện thấy có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận, đã chạy ra xa và dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình tàu phóng lôi. Mặc dù bị địch dùng đạn, pháo từ tàu và máy bay bắn dữ dội, nhưng tàu của ta vẫn dũng cảm tiến về phía mục tiêu, vừa tránh đạn, vừa nhanh chóng rút ngắn cự ly, chiếm lĩnh vị trí có lợi để công kích ngư lôi, phát huy hỏa lực trên tàu đánh trả quyết liệt các tốp máy bay và tàu chiến của địch. Tàu Maddox trúng đạn, phải rút chạy khỏi lãnh hải Việt Nam. Trong trận chiến đấu này, Mỹ sử dụng hơn 280 đạn pháo các loại từ tàu Maddox và trọng liên, rocket từ 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc nhóm tàu phóng ngư lôi của Việt Nam.
Ngày 4-8-1964, chính quyền Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ, lấy cớ để mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”. Ngày 5-8-1964, Mỹ huy động máy bay ở 2 biên đội tàu sân bay gồm hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tập kích ồ ạt gần như cùng một lúc vào các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của Hải quân ta suốt dọc ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, mở đầu cho hành động leo thang đánh phá miền Bắc. Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng với quân, dân miền Bắc dũng cảm đánh trả quyết liệt, bắn rơi 8 máy bay, bắn hỏng nhiều máy bay khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên vùng biển, vùng trời miền Bắc.
Nhiều bài học quý báu
Trận đánh ngày 2 và 5-8-1964 là trận đầu tiên Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, chỉ có 3 tàu phóng lôi, số hiệu 333, 336, 339 còn nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật, tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ nhưng cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng kiên cường tiến công tàu khu trục và đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân miền Bắc nói chung và của Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.
Sự kiện đánh đuổi tàu khu trục Maddox và chiến công đánh thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt; đặc biệt tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ngày 7-8-1964, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ tuyên dương công trạng của Bộ đội Hải quân và Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và khen ngợi: “Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay của Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc... Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt...”.
Chiến thắng ngày 2 và 5 tháng 8-1964 đã tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của Bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân đã để lại nhiều bài học quý, nhất là phát huy tinh thần chiến thắng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo hôm nay. Quân chủng luôn xác định phải tập trung lãnh đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải luôn kiên định, vững vàng về chính trị; trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tin tưởng vào thắng lợi, khả năng sẵn sàng chiến đấu, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; vững vàng về ý chí, bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo, tỉnh táo trong xử lý các tình huống trên biển bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đúng đối sách theo các tình huống, phương án đã xác định; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:https://hanoimoi.vn/ky-niem-ngay-truyen-thong-danh-thang-tran-dau-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-2-8-1964-va-quan-dan-mien-bac-5-8-1964-bao-ve-vung-chac-chu-quyen-bien-dao-thieng-lieng-cua-to-quoc-673880.html