Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu thành phố đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, Thường trực HĐND thành phố và các đơn vị còn thảo luận chuyên đề về tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhân dân; việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được HĐND bầu theo Nghị quyết số 96/2023/NQ-QH15 của Quốc hội.
Quang cảnh hội nghị
Kết quả tạo dấu ấn với cử tri
HĐND các cấp thành phố Hà Nội đã tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất cao trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. 9 tháng đầu năm 2023, HĐND thành phố đã tổ chức 3 kỳ họp (2 kỳ họp chuyên đề) để kịp thời xem xét, quyết định các nhiệm vụ theo thẩm quyền; HĐND các quận, huyện, thị xã tổ chức 84 kỳ họp (trong đó 30 kỳ họp thường lệ, 54 kỳ họp chuyên đề). Các nghị quyết ban hành phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, góp phần phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết những vấn đề cấp bách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; qua đó chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND được duy trì, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như của cả nước.
Việc triển khai các chương trình công tác của HĐND các cấp được thực hiện bài bản, rõ nội dung, rõ tiến độ, rõ người chịu trách nhiệm, đạt hiệu quả. Đồng thời, HĐND các cấp đã triển khai kịp thời, hiệu quả rất nhiều các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất khác, sát tình hình thực tế.
Nổi bật, trong 9 tháng đầu năm, HĐND thành phố đã thực hiện 88/91 nội dung theo chương trình đề ra, 3 nội dung điều chỉnh tiến độ cho phù hợp thực tiễn và 55 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố. Thường trực HĐND thành phố đã định hướng hoạt động của Tổ đại biểu HĐND, ban hành văn bản chỉ đạo các Tổ đại biểu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 trong đó hướng dẫn cụ thể về các hoạt động kỳ họp, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân. Đến nay, toàn bộ các Tổ đại biểu đã xây dựng kế hoạch công tác báo cáo về Thường trực HĐND thành phố để tổng hợp, theo dõi và làm căn cứ để bình xét thi khen thưởng hoạt động HĐND các cấp cuối năm 2023.
Thường trực HĐND cấp huyện đã xây dựng kế hoạch công tác của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND ngay từ đầu năm, đồng thời tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tập trung chỉ đạo các giải pháp tiếp tục đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng theo Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và những định hướng của Thường trực HĐND thành phố, chỉ đạo của cấp uỷ địa phương. Công tác phối hợp chỉ đạo, triển khai các hoạt động giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã ngày càng chặt chẽ, việc giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân đạt hiệu quả cao.
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị
Trao đổi đưa các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Báo cáo đề dẫn thảo luận về kết quả thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương - Ủy viên Thường trực HĐND thành phố cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, mặc dù không tổ chức HĐND tại 175 phường, đồng thời với ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng HĐND các cấp thành phố đã tổ chức 7.384 kỳ họp, thực hiện 4.693 cuộc giám sát, khảo sát và 451 phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12-5-2023 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn thành phố Hà Nội”, trong đó có nhiều chỉ tiêu cụ thể và các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội. Vì thế, mong muốn các đại biểu thảo luận, trao đổi đưa các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.
Trong đó, tập trung thảo luận về xây dựng chương trình và kế hoạch giám sát; hoạt động giám sát tại kỳ họp HĐND; hoạt động giám sát chuyên đề, xác định các nội dung để giám sát đảm bảo không trùng lặp về nội dung, đối tượng, thời gian giám sát. Về chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, các đại biểu đã làm rõ kết quả thực hiện và kinh nghiệm trong việc tổ chức chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, việc lựa chọn các vấn đề, đối tượng chất vấn, giải trình. Trong báo cáo đã chỉ ra hạn chế là hoạt động chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND các cấp thời gian đầu khi thực hiện Luật còn lúng túng; phương pháp, cách thức tổ chức mỗi nơi lại khác nhau, hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp chưa được thực hiện nhiều.
Đặc biệt, Thường trực HĐND thành phố đề xuất đại biểu trao đổi làm rõ kết quả thực hiện trong hoạt động xem xét quyết định của UBND cùng cấp, vì theo tổng hợp nội dung này chưa phát huy được rõ nét. Kết quả theo dõi, giám sát văn bản quy phạm pháp luật do UBND cùng cấp và HĐND cấp dưới ban hành chưa được thường xuyên và thể hiện cụ thể; giám sát theo chuyên đề nội dung này mới được thực hiện ở một số ít đơn vị, chủ yếu lồng ghép trong giám sát chuyên đề khác. Do vậy cần có các giải pháp để triển khai thực hiện nội dung giám sát này đảm bảo chất lượng trong thời gian tới.
Đối với hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND thành phố đề nghị các đại biểu làm rõ kết quả thực hiện của Thường trực HĐND, việc xây dựng kế hoạch giám sát, hình thức giám sát, việc phân công các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong việc theo dõi, đôn đốc giám sát việc trả lời, kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của UBND và các cơ quan liên quan. Đánh giá về chất lượng của việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri của UBND và các cơ quan liên quan.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã: Long Biên, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Sơn Tây, Ba Vì… đã đánh giá bổ sung vào kết quả HĐND các cấp, đồng thời cũng đề xuất một số giải pháp thiết thực đối với HĐND các cấp.
Thành uỷ viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam cho rằng, hoạt động của HĐND thành phố có tính hiệu quả, nhạy bén và khoa học, giám sát tập trung vào vấn đề lớn của thành phố được cư tri quan tâm và được HĐND các cấp học tập phương pháp thực hiện ở địa phương; trong đó, việc giám sát không chồng chéo, bảo đảm một cơ quan không chịu nhiều sự giám sát của các cấp được phát huy. Tuy nhiên, đại biểu Đường Hoài Nam cho rằng, hiệu quả giám sát phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đại biểu, vì thế mỗi đại biểu cần tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng giám sát, bảo đảm cho việc cách thức giám sát được khoa học, hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm chứng.
Thành uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, việc chọn đúng, trúng nội dung giám sát và đại biểu nắm chắc vấn đề sẽ đem đến kết quả cao. Đặc biệt, hoạt động giám sát cần đi tận cùng vấn đề, cả giám sát chuyên đề, chất vấn, giải trình…
Thành uỷ viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt chia sẻ, không khí nghị trường thực sự cởi mở, các kỳ họp có tính phản biện độc lập cao là mục tiêu HĐND các cấp hướng tới; vì thế, mỗi đại biểu, các ban HĐND cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm, phương pháp, cách làm… Ngoài giám sát, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, để cung cấp, kết nối, kiểm soát việc giải quyết các kiến nghị cử tri; vì nhiều vụ việc, vấn đề cần theo dõi vụ việc có tính lịch sử, tính kế thừa, chuyển tiếp các thời kỳ để giải quyết triệt đề vấn đề cử tri nêu.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao các kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị quận huyện, thị xã trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý đây là nội dung quan trọng, liên quan đến tổng kết Luật giám sát của Quốc và HĐND, vì thế đề nghị các đơn vị tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu kỹ từ thực tế hoạt động tại địa phương để đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn gửi đến các cá nhân trước 45 ngày, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đơn vị rà soát công tác lấy phiếu tín nhiệm để kịp thời gian, đảm bảo quy định.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, đề nghị HĐND các cấp tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, cấp uỷ địa phương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, lãnh đạo các quận, huyện cần quan tâm tới đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, đưa vào trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND quận, huyện, thị xã để tập trung triển khai; rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu theo Đề án số 15-ĐA/TU của Thành ủy để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình.
“HĐND các địa phương cần chuẩn bị điều kiện để tổ chức tốt kỳ họp cuối năm; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc HĐND các xã, thị trấn trong hoạt động; triển khai các phong trào thi đua để đạt được nhiệm vụ cao; đồng thời nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, công tác tiếp công dân...” - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Bảo Vy - Thanh Thủy