Sign In

Tập trung mọi nguồn lực để Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025

23:42 20/10/2023
Chiều 20-10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04-CTr/TU) tổ chức hội nghị giao ban về kết quả thực hiện chương trình quý III-2023; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền. 

Năm 2023: Huy động 12.081,15 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến Quý III/2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Xuân Đại, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) thành phố cho biết: Đến nay, Thành phố có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM; có 6 huyện phấn đấu đạt NTM nâng cao, gồm: Gia Lâm, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai. Đến nay, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị

Về xây dựng xã NTM nâng cao, năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 9 xã (vượt 5 xã so với kế hoạch của thành phố). Các huyện, thị xã còn lại hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND thành phố trước 15-11-2023. Về xây dựng xã NTM kiểu mẫu, năm 2023, thành phố giao các huyện, thị xã hoàn thành 33 xã. Kết quả, đến nay, huyện Hoài Đức có tờ trình đề nghị thẩm định 2 xã NTM kiểu mẫu. Các huyện, thị còn lại hiện đang tập trung hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND thành phố trước 15-11-2023. 

9 tháng năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho 15,5 nghìn lao động, tính chung 9 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 171,2 nghìn lao động, đạt 105,7% kế hoạch năm. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%, hộ cần nghèo còn 1,72%...

 

Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh phát biểu tại hội nghị

Ban Chỉ đạo cho biết, từ năm 2021 đến Quý III-2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình NTM là 53.271 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động vốn năm 2023 là 12.081,15 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến hết Quý III-2023, có 8 quận hỗ trợ các huyện xây dựng NTM kinh phí 648,2 tỷ đồng, trong đó, Tây Hồ đã hỗ trợ 6 huyện với tổng kinh phí 270,8 tỷ đồng; Long Biên hỗ trợ 128 tỷ đồng; Hoàng Mai hỗ trợ 85 tỷ đồng; Hoàn Kiếm hỗ trợ 63,8 tỷ đồng…

Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm đề xuất giải pháp hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM. Đại diện huyện Mỹ Đức, Đông Anh đã báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến Quý III/2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, đồng của Thành uỷ trên địa bàn đã đạt và cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Các Sở Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Tài nguyên và môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… đề xuất, tham mưu với thành phố những giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu Chương trình 04-CTr/TU đến Quý III-2023, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2023, đồng của Thành uỷ đề ra năm 2023. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong năm 2024, thành phố cần tập trung mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện hết các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư, sở  Tài chính cân đối nguồn lực, ưu tiên cho các nhóm vấn đề liên quan đến chương trình 04 nhằm hỗ trợ các huyện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. 

Khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong nhân dân 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Chương trình số 04-CTr/TU trên địa bàn thành phố. Kết quả, đến nay, toàn thành phố có 16/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện chỉ còn 2 huyện, huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức đang đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng theo hướng dẫn của trung ương. Như vậy, trong năm 2023, thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ 03 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. 

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết, hiện huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đã tiến hành thẩm định đủ điều kiện đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Đối với việc xây dựng xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu: năm 2023 thành phố giao chỉ tiêu 61 xã NTM nâng cao và 33 xã NTM kiểu mẫu. Đến nay huyện Hoài Đức đã có tờ trình đề nghị thẩm định 09 xã nông thôn mới nâng cao (vượt 05 xã so với kế hoạch của UBND thành phố giao) và 02 xã NTM kiểu mẫu. Các huyện, thị xã còn lại hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện một số tiêu chí cơ bản đạt và hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phấn đấu trình UBND Thành phố trước 15-11-2023. 

Chỉ rõ một số hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ lưu ý việc các sản phẩm OCCOP của thành phố tuy nhiều nhưng vẫn chưa có mặt tại các thị trường quốc tế. Trong khi đó, sản phẩm OCOP của các địa phương khác tuy ít nhưng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế này cho thấy cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP cuả Thủ đô. 

Nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2023, thành phố phải có thêm 3 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh) đề nghị Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 02 huyện còn lại (Ứng Hòa, Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Các địa phương, đơn vị cần khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, các huyện: Đông Anh, Gia Lâm cần phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối NTM thành phố và các sở, ngành để hoàn thiện báo cáo, hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao, phấn đấu trình trung ương trong tháng 11-2023. Huyện Thanh Trì đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao, trình thành phố trước tháng 11-2023.

UBND các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt theo các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND Thành phố, phấn đấu trình Thành phố trong quý I-2024. Huyện Mỹ Đức tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối NTM thành phố giải trình, hoàn thiện hồ sơ huyện NTM trình trung ương, phấn đấu được công nhận trong quý IV-2023.

Nhấn mạnh chỉ còn 70 ngày đêm để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị các sở, ngành địa phương tập trung mọi nguồn lực, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của thành phố vào năm 2025.

Hoàng Lan - Hoàng Mai 

Tag:

File đính kèm