Cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang. Tinh thần đoàn kết đã tạo thành sức mạnh vô địch, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành bài học: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công. Khi đấu tranh giành chính quyền, Đảng nêu khẩu hiệu để tập hợp quần chúng: Độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Trong thời kỳ cam go đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu: Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người kêu gọi: Không có gì quý hơn độc lập tự do.
Những khẩu hiệu này chứa đựng ý chí và tình cảm của cả dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại, đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, là nguồn động viên thôi thúc, gắn kết mọi người cùng lao động, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc và những quyền lợi cơ bản của nhân dân. Đó là tư duy nhất quán, xuyên suốt về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật trong cuốn sách.
Đại đoàn kết là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quyết định thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuốn sách của Tổng Bí thư cho chúng ta nhận thức rõ rằng: Đại đoàn kết là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quyết định thành bại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh: Khi chúng ta nêu cao ngọn cờ dân tộc, đoàn kết được toàn dân, phát huy được sức mạnh nội lực của dân tộc thì dù khó khăn mấy cách mạng cũng vượt qua được thử thách.
Đó là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Từ đó Tổng Bí thư rút ra nhận xét khái quát: “Đại đoàn kết toàn dân tộc từ truyền thống trở thành triết lý chính trị thân dân của ông cha ta với quan điểm “Quốc dĩ dân vi bản”, tức là nước phải lấy dân làm gốc (Nguyễn Bỉnh Khiêm)”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò nòng cốt chính trị, hạt nhân đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tổ chức vận động, quy tụ đông đảo các tầng lớp nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trong đó, nền tảng vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, có cơ sở là niềm tin của nhân dân. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc có sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
Đó chính là nguồn “Sức mạnh nội sinh, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong giai đoạn mới cần được khơi dậy, phát huy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ điểm tương đồng lớn nhất để quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu: “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao làm điểm tương đồng, để động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ, sự đóng góp của nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Link:https://nhandan.vn/khoi-day-nguon-suc-manh-noi-sinh-cua-dan-toc-post796216.html