Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ. Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân (ANND), LLVT nhân dân, đáp ứng yêu cầu BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...
Sự lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Trong điều kiện xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình, Đảng ta vẫn thường xuyên sát sao lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ BVTQ; đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều Chiến lược BVTQ qua các thời kỳ; mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Trong đó, đã khẳng định: Luôn luôn phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ...”.
Chủ trương BVTQ của Đảng là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng. Thực tế suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng nhiệm vụ BVTQ với quan điểm xuyên suốt: Trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một chút lơi lỏng nhiệm vụ BVTQ. BVTQ là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Ảnh minh họa:TTXVN
Đảng đã bổ sung, phát triển những luận điểm rất cơ bản về mối quan hệ giữa xây dựng với BVTQ phù hợp thời kỳ mới. Nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ BVTQ luôn phù hợp với tình hình thế giới, khu vực, trong nước, hài hòa giữa nhu cầu bảo vệ và khả năng đất nước, là cơ sở để thống nhất các nguồn lực BVTQ. Trong bối cảnh mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định: Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh (QP, AN), BVTQ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước...
Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới (năm 2023) tiếp tục có những điểm mới trong tư duy của Đảng về BVTQ, khẳng định rõ hơn việc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền văn hóa; đồng thời bổ sung nội dung bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng...; triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong; chủ động dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh; BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy...
Trên cơ sở đổi mới tư duy BVTQ, những năm qua, Đảng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành, hoàn thiện các chiến lược QP, AN và hệ thống cơ chế, chính sách về QP, AN trong điều kiện mới; xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về QP, AN; tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường sức mạnh BVTQ trong tình hình mới. Đây là bước tiến lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy nhạy bén, đột phá về nhận thức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực QP, AN của Đảng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp BVTQ.
Một số kết quả nổi bật trong thời gian qua là: Tư duy về QP, AN, BVTQ có bước phát triển và ngày càng hoàn thiện; sự kết hợp giữa QP, AN với kinh tế, văn hóa và đối ngoại ngày càng hiệu quả. Đảng đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chiến lược quan trọng, như: Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo đảm an ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng... Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ về đối tác, đối tượng có bước chuyển biến quan trọng. Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi nhiều loại tội phạm và ứng phó kịp thời các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nền QPTD, thế trận QPTD gắn kết chặt chẽ với thế trận ANND tiếp tục được củng cố, tăng cường. Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND), Công an nhân dân (CAND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có mặt tiến nhanh lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, tham gia tích cực và hiệu quả gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đầu tư thích đáng cho QP, AN và xây dựng LLVT nhân dân
QĐND Việt Nam được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những chiến công hiển hách dân tộc ta giành được trong suốt sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH và BVTQ đều có sự đóng góp vô cùng to lớn của QĐND Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ. Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền QPTD, nền ANND, LLVT nhân dân, đáp ứng yêu cầu BVTQ từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống... QĐND, CAND được chăm lo đầu tư, xây dựng ngày càng tinh, gọn, mạnh cả về chính trị, tư tưởng và vũ khí, trang thiết bị theo phương châm: Người trước, súng sau; từng bước tiến lên hiện đại, có một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại...
Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại là quan điểm xuyên suốt, chủ trương chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm bảo đảm cho Quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Điều này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược BVTQ trong tình hình mới mà Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa ban hành, trong đó Đảng xác định rõ mục tiêu, lộ trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, hiện đại từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương khẳng định: “Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền QPTD, nền ANND, LLVT nhân dân, đáp ứng yêu cầu BVTQ từ sớm, từ xa...” đã một lần nữa cho thấy Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng xây dựng LLVT nhân dân nói chung, QĐND nói riêng. Đây là quan điểm, chủ trương chiến lược, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài; là đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế thời đại, khả năng nền kinh tế đất nước và yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
Dựa vào dân, lấy “dân là gốc”
Một điểm nhấn trong bài viết là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt yêu cầu phải dựa vào dân, lấy dân là gốc, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hóa, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, lấy yên dân là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và BVTQ.
Việc nhấn mạnh yêu cầu nêu trên một lần nữa khẳng định và làm rõ thêm quan điểm của Đảng được xác định tại Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và BVTQ. Điều này thể hiện nhận thức, tư duy ngày càng chính xác, sâu sắc hơn về vai trò của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân và tư tưởng “yên dân”, “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp BVTQ. Đảng ta cũng khẳng định sự nhất quán từ quan điểm đến mục tiêu, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân trong BVTQ thời kỳ mới. Có thể nói, nội dung này là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống giữ nước của dân tộc, đồng thời là sự phát triển nhận thức lý luận của Đảng về BVTQ.
Thấu triệt quan điểm này, để phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia BVTQ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu: (1) Phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, yêu nước của toàn dân. (2) Ban hành các quy định cụ thể để bảo đảm phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện phù hợp, hiệu quả chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” để “yên dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. (3) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng tinh thần cảnh giác; vận động toàn dân tích cực tham gia đấu tranh chống những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị, nhất là trên không gian mạng. (4) Phát huy cao nhất sự đóng góp, ủng hộ của toàn dân cho sự nghiệp BVTQ, cả về vật chất, tinh thần và công sức, trí tuệ. (5) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tận dụng triệt để sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhằm giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử
Link:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tu-hao-tien-buoc-duoi-la-co-vinh-quang-cua-dang-bai-7-thuong-xuyen-sat-sao-lanh-dao-thang-loi-nhiem-vu-bao-ve-to-quoc-766226