Để giữ gìn sự trong sạch của Đảng, Người yêu cầu mỗi đảng viên phải biết tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Lời căn dặn của Người đã được Đảng, Nhà nước, các địa phương thấm nhuần, vận dụng sáng tạo và thực hiện nghiêm trong thực tiễn.
Quang cảnh hội nghị chuyên đề nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 về “Nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm, hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên quận Hai Bà Trưng”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ cương, kỷ luật
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, nên Người rất thấu hiểu những khó khăn của Đảng trong những ngày đầu thành lập cũng như trong quá trình hoạt động. Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Người đã rút ra kết luận: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”. Theo Người, sở dĩ phải giữ gìn kỷ cương, kỷ luật của Đảng là để tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao uy tín của Đảng và đảng viên với quần chúng nhân dân và quan trọng hơn, “nếu kỷ luật của Đảng lỏng lẻo thì những kẻ cơ hội, những phần tử phản động dễ dàng chui vào hàng ngũ để phá hoại Đảng”. Đây là những chỉ dẫn rất quan trọng về lý do cần phải thi hành kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Để thực hiện kỷ cương, kỷ luật Đảng, Người luôn căn dặn mỗi đảng viên, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức Đảng, không được hành động một cách tùy tiện, vô nguyên tắc để ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, đến danh dự của bản thân. Điều này cũng giúp cho mỗi đảng viên tránh xa được thói hư tật xấu như sa vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, cửa quyền, hách dịch… Theo Người, đã là kỷ cương, kỷ luật Đảng thì không ai được phép đứng ngoài. Việc thi hành kỷ cương, kỷ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và sự tồn vong của Đảng bởi lẽ: “... một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn riêng một bộ phận đảng viên có công với cách mạng, không phải vì cậy mình có công mà mắc bệnh “công thần”, “kiêu ngạo cộng sản” và “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”. Ngoài ra, Người yêu cầu đảng viên không những phải giữ gìn kỷ luật của Đảng mà còn “phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”.
Trong những việc cần căn dặn trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu những công việc về Đảng. Một trong những lời căn dặn đầy sức nặng của “Di chúc” được dành cho Đảng: “Trước hết nói về Đảng... Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Theo Người, tự phê bình và phê bình là phản ánh trung thực tinh thần dân chủ và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mọi đảng viên có quyền trình bày ý kiến riêng của mình, đề đạt kiến nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Song khi đã có nghị quyết của tập thể thì phải làm theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Mọi đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không được bạ đâu nói đó, không được lợi dụng các diễn đàn, các cuộc hội thảo, hội nghị để đả kích tổ chức, phê phán lãnh đạo, bôi nhọ cá nhân một cách bừa bãi và tuyên truyền các quan điểm sai trái. Tùy tiện phát ngôn là tạo cơ hội cho kẻ thù và những phần tử xấu lợi dụng chống Đảng. Đây là những chỉ dẫn vô cùng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Không chỉ đưa ra những tư tưởng đúng đắn, toàn diện về kỷ cương, kỷ luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương sáng về thực hành kỷ cương, kỷ luật. Trong đời sống hằng ngày cũng như trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng, Người luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, gương mẫu chấp hành mọi quy định của Đảng và nghiêm khắc phê bình những cá nhân, tổ chức xem nhẹ hoặc vi phạm những quy định của Đảng. Điển hình như việc tháng 4-1931, Người đã nghiêm khắc viết thư phê bình Xứ ủy Trung kỳ do chưa chịu đổi tên Đảng theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 và theo chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Theo Người, đó là sự “vi phạm nguyên tắc của Đảng cần phải bị phê bình và rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Không chỉ phê bình tổ chức, Người còn nghiêm khắc xử lý những đảng viên vi phạm quy định của Đảng. Người đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để xử lý những cán bộ sai phạm như ngày 27-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ; ngày 26-1-1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình… Với phương châm: “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt”, Người đã nghiêm trị rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ cương, kỷ luật.
Có thể khẳng định, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa “tri” và “hành” bởi lẽ, Người không chỉ đưa ra tư tưởng về sự cần thiết phải thi hành kỷ cương, kỷ luật mà còn là tấm gương sáng trong việc thực hành và xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ cương, kỷ luật. Điều đó đã được Đảng ta và các địa phương vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn.
Cần thấm nhuần và thực hành tốt
Tại Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII (tháng 12-2023), Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình công tác năm 2024, trong đó nêu bật 7 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Thành ủy Hà Nội sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát vọng vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá của thành phố, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 của thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” - Đây là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội thực hiện chủ đề công tác này, với mục tiêu tạo ra chuyển biến tích cực hơn nữa trong các khâu đột phá, triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược, đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Để thực hiện những mục tiêu lớn cũng như chủ đề công tác đã đặt ra, trước hết, cấp ủy Đảng các cấp trên toàn thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị toàn thành phố. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp hành nghiêm quy định của Đảng, của cơ quan, tổ chức; phát huy tinh thần trách nhiệm, “nêu gương”, “tự soi”, “tự sửa” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thi hành quy định của Đảng. Các tổ chức Đảng cần thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, hoạt động của cán bộ, đảng viên, nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước, nội quy của cơ quan, đơn vị theo phương châm “xử lý một người để cảnh cáo muôn người”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, năm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Bằng những nỗ lực và quyết tâm, Hà Nội cần phải xứng đáng là đơn vị đi đầu trong thi hành kỷ cương, kỷ luật trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:https://hanoimoi.vn/tham-nhuan-thuc-hien-nghiem-ky-cuong-ky-luat-cua-dang-663119.html