Sign In

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (17/3/1930-17/3/2023): Phòng, chống tham nhũng, giữ vững thế trận an ninh nhân dân

02:08 15/03/2023
Với vai trò đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, những năm qua, ngành Nội chính Đảng của Đảng bộ Thủ đô đã có những bước phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong việc giữ vững sự bình yên cho nhân dân Thủ đô. 

Không có ngoại lệ, “vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng 

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) (diễn ra từ ngày 7 đến ngày 15-5-2012) đã chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng Ban Chỉ đạo; tái lập Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo và tái lập ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Ngay sau hội nghị, vào tháng 8-2013, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3383-QĐ/TU, thành lập Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội. Ban Nội chính Thành uỷ có chức năng tham mưu với Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố Hà Nội 

Cùng với tiến trình phát triển của đất nước và Thủ đô, công tác nội chính của Đảng bộ Thủ đô đã có những bước phát triển vững chắc, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thủ đô.

Với vai trò Thủ đô của cả nước, Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh vào trung tuần tháng 5-2022. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Trong năm 2022, mặc dù khối lượng công việc lớn và còn nhiều khó khăn, song công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố đã đạt được những kết quả cụ thể.

Thường trực Thành ủy, Ban Thường Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 với 10 tổ chức Đảng, 10 đảng viên; thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực hiện Đề án 56-ĐA/BCĐ, ngày 25-11-2019 về “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố Hà Nội” đối với 7 đơn vị; giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố đối với 10 tổ chức Đảng, 12 đảng viên...

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tổ chức Đảng và 7 đảng viên; tiếp tục kiểm tra đối với 6 tổ chức Đảng và 5 đảng viên; thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 15 đảng viên; trực tiếp kiểm tra 3 tổ chức Đảng đơn vị y tế và chỉ đạo kiểm tra 5 tổ chức Đảng đơn vị y tế trong nhóm vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á... Các cơ quan hành chính thành phố đã triển khai 339 cuộc thanh tra, kết luận 201 cuộc; qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 33,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 61 tập thể và 85 cá nhân...

Các cơ quan tố tụng thành phố đã khởi tố, điều tra 35 vụ/45 bị can, truy tố 20 vụ/42 bị can, xét xử sơ thẩm 41 vụ/105 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 9 vụ án/12 bị can. Đặc biệt, Tòa án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử sơ thẩm 7 vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phân công cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thực hành quyền công tố…

Đây đều là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; kết quả xét xử vụ án theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “Không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ...

Những thách thức trong tình hình mới

Những bước phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và phát triển đòi hỏi công tác Nội chính Đảng phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ, bám sát thực tiễn để tham mưu hiệu quả với Thường trực, Ban Thường vụ Thành uỷ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian tới, Thành uỷ Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, biện pháp, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 17-3-2021 của Thành ủy khóa XVII về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

Song hành với nhiệm vụ kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của Bộ Chính trị, Thành uỷ Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đặc biệt là các vụ án do Trung ương giao và ủy thác điều tra của Bộ Công an.

Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Nội chính Thành uỷ Nguyễn Quang Đức phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thành phố Hà Nội 

Thành uỷ Hà Nội đặt mục tiêu gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện nghiêm các văn bản của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng…

Đối với các cơ quan nội chính, nhất là lực lượng Quân đội, Công an thành phố, sẽ phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc triển khai nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; nắm chắc tình hình thực tiễn để tham mưu, xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống… qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô.

Hoàng Lan - Hoàng Mai

Tag:

File đính kèm