Sign In

Huyện Đan Phượng tích cực thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác Hồ

15:09 19/05/2023
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra việc động viên sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Người đã đề xuất sáng kiến phát động phong trào thi đua yêu nước để động viên sức mạnh toàn dân tộc.

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với quyết tâm “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên kháng chiến, chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau chiến thắng Việt Bắc năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 Ngày kháng chiến (Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23-9-1945), ngày 11-6-1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên toàn thể đồng bào, chiến sỹ trong cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc nhằm chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.  

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, 75 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở huyện Đan Phượng, nhiều phong trào thi đua yêu nước được phát động và triển khai rộng lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đáng chú ý là công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt”, các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội; công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học, kịp thời hơn, có sự gắn kết chặt chẽ giữa thi đua và khen thưởng. 

Thời gian qua, các phong trào thi đua được phát động và triển khai trên tất các các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với học tập và làm theo Bác, thông qua thực hiện các mô hình như: “Sinh hoạt chi bộ kiểu mẫu luân phiên” mô hình “Thôn thông minh” của xã Song Phượng; “Sinh hoạt chuyên đề tự soi tự sửa” ở xã Phương Đình; “Áo xanh bảo vệ vùng xanh” của Đoàn thanh niên; “Chuyến xe 0 đồng”, “Tết Sum vầy- Xuân Bình An” của Liên đoàn lao động;“Bếp nghĩa tình-gắn tình đoàn kết”, “thực hiện tang văn minh tiến bộ” của Ủy ban MTTQ;“Chi hội phụ nữ văn minh” của Hội LHPN;“Chế phẩm sinh học” của Hội Nông dân;“Cựu chiến binh tham gia giữ gìn an ninh trật tự” của Hội Cựu chiến binh;“Tổ xung kích phòng, chống tội phạmở các xã; “Đại đội xung kích”, “Đại đội dân quân cơ động” của Công an, Quân sự huyện; “Tuyến đê kiểu mẫu” ở các xã Hồng Hà, Liên Trung, Song Phượng, Hạ Mỗ, Phương Đình,…

Thời gian gần đây, trong thực hiện các phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo Bác trên địa bàn huyện, bên cạnh những tập thể tiêu biểu, huyện cũng xuất hiện những cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc như: bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng; ông Nguyễn Hữu Hợi, Hội viên nông dân xã Đan Phượng đưa những giống cây trồng mới như rau, nho hạ đen, dâu Hà Lan…; ông Nguyễn Đức Nhuận, Chỉ huy trưởng ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Hà, người chỉ huy có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong huấn luyện; bà Hoàng Thị Thảo, khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện, nữ y tá có nhiều thành tích trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, anh Nguyễn Hải Linh, Chi đoàn thôn Thuận Thượng, xã Song Phượng tiêu biểu tham gia trực tại các chốt phòng chống dịch; nhà giáo Nguyễn Tọa ở xã Hạ Mỗ, người thầy mẫu mực trong việc sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của quê hương; cô giáo Mầu Thị Hiền, Giáo viên trường Mầm non Đan Phượng, một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo; bà Đỗ Thị Lan Hương, công dân cụm dân cư số 4, xã Tân Lập luôn tích cực tham gia và vận động người dân tham gia hiến máu cứu người,…

Mô hình “Tết Sum vầy - Xuân Bình An” của Liên đoàn Lao động huyện

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta nói chung, thành phố Hà Nội, huyện Đan Phượng nói riêng tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiếp tục đẩy mạnh và phát triển phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực với những nội dung, hình thức mới, với chiều sâu, chiều rộng và những sắc thái mới...

Nhờ vậy nên việc khen thưởng phản ánh đúng phong trào thi đua, đảm bảo công bằng, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng việc; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác thi đua - khen thưởng; góp phần phát huy truyền thống yêu nước; khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân; tạo khí thế thi đua sôi nổi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Phương Thảo - Thu Hoài

Tag:

File đính kèm