Sign In

TPHCM triển khai Nghị quyết 98 nhanh hơn, đúng hướng hơn và có sản phẩm cụ thể

16:20 15/12/2023

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu kết luận

(Thanhuytphcm.vn) – Đó là ý kiến khẳng định của đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM tại phiên họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phiên họp thứ 3 và tổ tư vấn xây dựng đường sắt đô thị phiên đầu tiên diễn ra vào sáng 15/12.

Quyết tâm chính trị cao để thực hiện các nội dung lớn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng ghi nhận sự hoạt động hiệu quả của Hội đồng tư vấn đã thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 98 nhanh hơn, đúng hướng hơn và có sản phẩm cụ thể. Đồng chí nhấn mạnh, muốn làm đề án đường sắt đô thị hay nói chung là những nội dung lớn có tính chất đột phá, vượt trội thì đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao và không chỉ của TP mà phải là từ Trung ương. Từ Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM cho đến Nghị quyết 98 và khi có Nghị quyết 98 đều có Ban Chỉ đạo của cả Trung ương và TPHCM. Điều này cho thấy Trung ương rất quan tâm, xác định vị trí, vai trò của TP và tạo những điều kiện phù hợp để TP phát triển xứng tầm.

Đối với dự án đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đề nghị cần tập trung hoàn thiện đề án, thông qua ở TPHCM xong và báo cáo Bộ Chính trị để có sự ủng hộ và lãnh đạo, và đây là cơ sở chính trị để TP tiếp tục triển khai các bước pháp lý phía sau. Tương tự, các vấn đề lớn khác cũng tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cơ quan thẩm quyền, tạo chỗ dựa chính trị để triển khai. Trung ương và TP đang rất quyết tâm, vấn đề là phải chọn trọng tâm và kịp thời báo cáo để triển khai.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 sắp tới, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, trong năm 2024, cần tập trung nhóm các đề án, dự án, công trình cụ thể. Để khi có dự án, công trình cụ thể và triển khai thành công sẽ có sức thuyết phục rất lớn. Đối với đề án đường sắt đô thị cần kiên trì lộ trình như đã bàn, còn nhiều vấn đề khác như cơ chế tài chính, cơ chế phát triển công nghiệp phụ trợ ra sao, cơ chế tổ chức quản lý như thế nào, quy trình phát triển ra sao… cùng làm đồng thời, song song sẽ đảm bảo được tiến độ. Hay trung tâm tài chính quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng đang là nhiệm vụ rất lớn, nhưng nếu làm được sẽ có sức thuyết phục cao. Đây là 3 việc cụ thể phải nhắm tới, đó là chủ trương chính trị từ Bộ Chính trị, sẽ có được khung pháp lý của Quốc hội trong năm 2024 để làm nền tảng triển khai cho những năm tiếp theo.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trọng Đông góp ý tại phiên họp Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Trọng Đông góp ý tại phiên họp

Đối với nhóm các công việc có tính chất về mặt thể chế, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị phải tập trung hoàn thiện đề án nền công vụ TPHCM. TP muốn lấy nền công vụ của Singapore như một kinh nghiệm quốc tế để tham khảo để chuẩn hóa về mặt quy trình, về mặt tổ chức bộ máy, đội ngũ, chuyển đổi số và làm sao sẽ tổ chức thực hiện, giám sát, điều chỉnh để hoạt động công vụ TPHCM thời gian tới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, có chất lượng tốt phục vụ sự phát triển kinh tế TP. Năm 2024 sẽ tập trung hoàn thiện đề án này để tổ chức triển khai, tất nhiên đi liền là đào tạo và nhiều việc khác chuẩn bị để làm.

Từ năm 2024 tới cũng bắt đầu khởi động nghiên cứu một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản trị đô thị đặc biệt TPHCM. Hiện TP đã có Nghị quyết 98, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần và đang chờ đợi một khung pháp lý. Nếu tập trung trong năm 2024, trong năm 2025, thì sau 3 năm sơ kết thực hiện Nghị quyết 98 có thể phát triển lên ở một khung pháp lý đủ lớn để quản trị đô thị đặc biệt TPHCM này và việc này cũng tập trung tính trong năm 2024. Bên cạnh đó, cần phải tính toán có một đơn vị tư vấn quản lý dự án, để đạt được mục tiêu này những hoạt động chính của việc triển khai Nghị quyết 98, có những phân giao trách nhiệm, lộ trình giám sát.

Vận dụng Nghị quyết 98 để triển khai hạ tầng đường sắt đô thị

Trước đó, tại hội nghị rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã thảo luận, góp ý các nội dung về xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông cho rằng, việc hoàn thành 20km tuyến metro là hết sức đúng đắn và không thể muộn hơn nếu không muốn tụt hậu ngày càng xa với các đô thị trong khu vực. Việc vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 vào triển khai thực hiện là hết sức quan trọng, tuy nhiên một số nội dung trong Nghị quyết 98 đưa ra lại chưa đủ. Đồng chí Đặng Huy Đông đề xuất 6 nhóm chính sách với nhiều cơ chế cụ thể trong quá trình TP xây dựng đề án thực hiện. Trong đó đề xuất cho phép TPHCM được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD (TOD - phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán) nhằm tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro; trao thẩm quyền cho TP ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch 1/500 của dự án để kết hợp phát triển chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD, theo nguyên tắc đảm bảo đời sống và chỗ ở người dân bị thu hồi đất. Ngoài ra, cho phép TP giữ lại nguồn thu từ đấu giá quyền phát triển dự án; cho phép TP lựa chọn, phê duyệt và áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn về đường sắt đô thị phổ biến nhất trên thế giới để đảm bảo thu hút nhiều nhà cung cấp, nâng cao tính cạnh tranh để có giá thành tốt nhất…

Các đồng chí chủ trì phiên họp Các đồng chí chủ trì phiên họp

Theo đồng chí Đặng Huy Đông những cơ chế đặc thù vượt trội sẽ là những lợi ích to lớn cho TPHCM để hoàn thành mục tiêu 200km metro, tiết kiệm 10 tỷ đô la tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay, hoàn toàn bằng vốn trong nước, không dẫn đến nợ quốc gia… Dự án cần được thực hiện trong một khung khổ pháp lý mới theo kiểu “may đo” riêng cho TPHCM.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm giao thông, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Trọng Đông cho rằng đề án phải xây dựng hết sức sâu sắc, toàn diện, xác định rõ các thuận lợi, vướng mắc thực hiện trên cơ sở ý kiến giữa các sở, bộ ngành, bài học kinh nghiệm từ các nước khác. Cơ sở thực hiện rất cần thiết để đề án triển khai khả thi, như vậy mới không phá tất cả hệ thống pháp luật. Đề án xây dựng phải nằm trong bối cảnh bức tranh tổng thể đô thị chứ không riêng đường sắt. Trong đó, cần bổ sung cơ chế huy động nguồn lực, tăng thu, giữ lại nguồn thu… ra sao phải chứng minh cụ thể. Có như vậy, khi trình duyệt mới sớm khả thi.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nên đưa hai công trình đường sắt đô thị TPHCM và Hà Nội vào quy chế công trình trọng điểm quốc gia, thì trách nhiệm Trung ương mới rõ được. Thách thức lớn là thách thức quản trị. Vì quản trị một dự án lớn như vậy năng lực quản trị rất quan trọng. Đề án cần nói rõ về quản trị. Lãnh đạo TPHCM phải là một phần rất quan trọng trong quản trị này. Cơ chế quản trị phải có một Ban Chỉ đạo và lãnh đạo TP phải nằm trong ban chỉ đạo này. Trong đề án, cần có chiến lược truyền thông về dự án, các doanh nghiệp, nhà đầu tư mới gõ cửa được. Từ đó mới nhận được sự ủng hộ của người dân.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, cần xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, đi song hành với Hà Nội để có sự đồng thuận chung. Để có được sự ủng hộ của Trung ương, người dân, cần có chiến lược tuyên truyền với truyền thông đa phương tiện một cách chi tiết, có minh chứng từ các nước. Chỉ ra được đem lại lợi ích quốc gia, người dân trong vùng dự án, đảm bảo kết nối vùng. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện với các cấp độ quy hoạch, các địa phương cần biết tuyến kết nối của mình để làm quy hoạch phù hợp. Ngoài ra, cần đề xuất các thể chế, cơ chế đặc thù trình Trung ương lưu ý những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án này. Làm sao đẩy mạnh phân cấp trọn gói cho Hà Nội và TPHCM để tháo gỡ. Sau cùng, cần có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực cho ngành đường sắt và nhân lực cho việc vận hành, quản lý đường sắt.

Thông tin về một số nội dung trọng tâm năm 2024 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, đồng chí Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho biết: Hội đồng sẽ tiếp tục theo dõi và đề xuất các giải pháp trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 98; Góp ý thảo luận về bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình giảm phát thải về trung hòa carbon đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đóng góp vào chủ đề và các nội dung của Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2024; Tham gia vào các chương trình nghị sự nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược thế hệ mới vào thành phố như công nghệ bán dẫn, công nghệ số, năng lượng tái tạo; Hoàn thiện cơ chế thu hút - huy động, cơ chế đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng nền tảng kết nối thông tin giữa Văn phòng UBND TP, các sở, ngành, TP Thủ Đức với Tổ thư ký Hội đồng, Viện Nghiên cứu phát triển TP…

Minh Hiệp

Tag:

File đính kèm