Sign In

Nhớ lời căn dặn về xây dựng Đảng trong Di chúc của Bác Hồ

09:05 31/08/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - 55 năm trước, trước khi về với “Thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc bất hủ. Bản Di chúc nay đã trở thành cẩm nang chỉ đường, dẫn lối cho đất nước, dân tộc Việt Nam tiến bước trên con đường văn minh, hạnh phúc.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu trong tư tưởng của Người, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả cho hiện tại và tương lai.

Trong Di chúc, điều căn dặn đầu tiên của Bác là: “Trước hết nói về Đảng”. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.[1] ".

Có thể thấy, Bác luôn quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên quan tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng… Ngay khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, tháng 10 năm 1945, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác đã cảnh báo và nêu những lỗi lầm như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. (Ảnh: TTXVN) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. (Ảnh: TTXVN)

Trong rất nhiều bài viết, bài nói, trong các tác phẩm và đặc biệt đến Di chúc, Bác luôn nghiêm khắc với những sai phạm, những vi phạm của cán bộ, đảng viên. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ bế mạc hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, ngày 18/01/1949, Bác căn dặn “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước[2]”.

Khi xem lại các bản Di chúc của Bác, chúng ta thấy bản viết lần đầu tiên, năm 1965, Người ghi “Trước hết nói về Đảng[3]”. Tháng 5 năm 1968, khi sửa Di chúc, ngoài những căn dặn những công việc phải làm sau chiến tranh, Người viết “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân[4]” và Người khẳng định nếu làm được như vậy, “thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi[5]”.

Trong Di chúc, Người khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền” và Người đã dành một đoạn để nói rõ thêm về trách nhiệm của Đảng, về sự cần thiết phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tiên liệu trước những khó khăn thử thách, những phức tạp của đất nước sau ngày thắng lợi, Bác đã căn dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân[6] ".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường Đại học và THCN (12/1958). (Ảnh tư liệu) Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường Đại học và THCN (12/1958). (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, Đảng ta là đảng cầm quyền, lại là đảng duy nhất cầm quyền nên mọi việc hay dở, tốt xấu thế nào đều có ảnh hưởng đến đời sống xã hội và đều có quan hệ với vai trò trách nhiệm của Đảng. Trong bộ máy Nhà nước do Đảng lãnh đạo, hầu hết cán bộ của tất cả các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương là đảng viên của Đảng. Trong điều kiện hoàn cảnh ấy, nếu không có một tấm lòng, không có trách nhiệm, cán bộ, đảng viên sẽ rất dễ quan liêu, xa dân.

Trong những năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn và giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả mọi mặt. Tuy vậy, đất nước và dân tộc cũng đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt của con đường phía trước; đó là những hạn chế, yếu kém mà Đảng đã chỉ ra, như: sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ở vị trí cầm quyền, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân càng nặng nề. Do đó, thước đo uy tín của Đảng trước nhân dân chính là ở những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; ở năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhân dân. Vì lẽ đó, việc tự đổi mới và chỉnh đốn Đảng đang là vấn đề đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Đổi mới và chỉnh đốn lại Đảng phải được tiến hành trên nhiều phương diện, nhưng trước hết phải ở mỗi đảng viên.

Kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Bác để mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự soi rọi lại mình; làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, thực hiện thành công những nhiệm vụ mà Đảng đề ra, xứng đáng với sự mong mỏi, tin cậy, yêu mến, che chở của nhân dân và để xứng đáng hơn với Bác Hồ.

Hồng Phúc

_______________

[1] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 498

[2] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 552

[3] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 497

[4] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 503

[5] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 503

[6] Hồ Chí Minh (toàn tập, 1996) , tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, tr. 510

Tag:

File đính kèm