Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) Bác đã đi xa, nhưng lời Bác vẫn “ấm từng tiếng thấm vào lòng non nước”. Đặc biệt, khi ta nghe giọng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, thì lòng ta như trào lên niềm tự hào về nền độc lập, tự do của dân tộc. Và cũng tự hào nước ta có Bác Hồ Chí Minh!
Nghe tiếng Bác mà tưởng như “tiếng của ngàn xưa vọng nói về”! Tiếng nói của "... nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”! Tiếng nói của một dân tộc “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tiếng nói của chân lý, của ý chí độc lập tự cường không sức mạnh nào lay chuyển được. Bởi “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Chân lý ấy được định trên sách trời! Với mọi người trên trái đất này thì quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Quyền ấy không phân biệt màu da, sắc tộc, không phân chia ở phương Đông hay ở phương Tây, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu. Quyền ấy như Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 từng khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Chân lý ấy được định bởi “tạo hóa”, có nghĩa là ai cũng có quyền được hưởng! Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng được Bác dẫn đọc một cách rõ ràng: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”! “Người ta” ở đây có nghĩa là tất cả mọi người đều có quyền như vậy. Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, Bác khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “Đó là lẽ phải không ai chối cãi được!”.
Câu khẳng định của Bác rất Việt Nam. Bác không dùng ngôn từ theo lối phương Tây thường dùng như chân lý, công lý. Bác dùng từ thuần Việt lẽ phải, bởi văn hóa Việt Nam có câu “Nói phải củ cải cũng nghe”! Khẳng định bằng lối nghĩ và ngôn từ thuần Việt để rồi chuyển đoạn, hạ một tiếng “Thế mà” để vạch tội thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
Với lập luận sắc bén và cách diễn đạt tinh tế, khúc chiết, Bác khẳng định lẽ phải thuộc về dân tộc Việt Nam: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của thực dân Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc ấy phải được tự do, dân tộc ấy phải được độc lập!”. Điều đó là một lẽ đương nhiên, hợp với quy luật sinh tồn của mọi dân tộc, hợp với đạo lý và nhân nghĩa, hợp với xu thế phát triển của thời đại văn minh! Đó là nền tảng vững chắc để Bác khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”. Tuyên bố đanh thép thể hiện ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam, nguyện vọng nghìn đời của một dân tộc yêu hòa bình, nhưng cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do dân tộc, quyết không chịu khuất phục kẻ thù xâm lược dù chúng mạnh đến đâu, thâm hiểm đến nhường nào. Đó là lịch sử, đó là truyền thống của một dân tộc anh hùng.
Sự thật là cả thế giới chứng kiến, nền độc lập, tự do của dân tộc ta trải qua biết bao thử thách cam go, có những lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính sự thật đó là minh chứng hùng hồn về sức mạnh vô địch của ý chí độc lập, tự do dân tộc. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử hiện đại như một chân lý không chỉ của Việt Nam mà là của cả loài người về xu thế chấm dứt chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới. Ngày nay, một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và giàu mạnh không chỉ là mơ ước của chúng ta mà còn là một sự thật được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, vui mừng. Nó góp phần tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Quan điểm chọn lẽ phải của Việt Nam trong tình hình các nước lớn đang có nhiều toan tính, tình hình thế giới còn căng thẳng khó lường là sự kế thừa có tính nhất quán từ ngày thành lập nước đã được công bố trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Hiểu cái giá của hòa bình, bằng bài học của chính mình, Việt Nam luôn mong muốn thế giới hòa bình, phát triển bền vững. Và sự thật là Việt Nam đã và đang là bạn của các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới, là đối tác đáng tin cậy của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong cộng đồng quốc tế vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Giọng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập còn vang vọng mãi đến hôm nay!
TS Nguyễn Viết Chức