(1) Giai đoạn 1986-1995: Đây là giai đoạn phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng. Nhìn lại những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chủ nghĩa xã hội trên thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Ở trong nước, tình hình rất khó khăn, khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Trước tình hình đó, tại Đại hội VI (12/1986), Đảng chủ trương phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới và đề ra yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Đại hội VII (1991), Chủ trương đối ngoại đó là: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại. Việt Nam đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), với Mỹ (1995), thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và một số nước trên thế giới, tham gia khối ASEAN năm 1995.
(2) Giai đoạn 1996-2010: Mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế. Bước vào giữa thập niên 1990, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo ra tiền đề cần thiết cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Các xu thế hòa bình, toàn cầu hóa, dân chủ hóa của thời đại ngày càng được củng cố và tăng cường. Trong sự chuyển biến của thế giới và khu vực đó, Đại hội VIII (1996) đã khẳng định tính đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá các quan hệ đối ngoại. Tư duy đối ngoại tiếp tục được đổi mới với quan điểm mới về đối tác - đối tượng, về hợp tác và đấu tranh được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (2003). Đại hội IX (2001), Đảng nhấn mạnh chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực. Đại hội X (2006): Xác định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Giai đoạn này, chúng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) và ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2001; tham gia Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp (1997), ASEAN (1998), ASEM (2005), APEC (2006) và là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khoá 2008-2009.
(3) Giai đoạn 2011đến nay: Đưa quan hệ đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện. Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tuy nhiên đứng trước nhiều thách thức từ cạnh tranh nước lớn gia tăng, kinh tế thế giới khủng hoảng và phục hồi chưa bền vững. Thế và lực của đất nước được nâng lên đáng kể sau hơn hai thập kỷ đổi mới. Vị thế địa chiến lược của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong chính sách của các nước lớn với khu vực. Đại hội XII (2016) có quyết sách chính trị quan trọng về tiếp tục mở rộng phạm vi, lĩnh vực và mức độ hội nhập. Tư duy đối ngoại đa phương có bước chuyển quan trọng với Chỉ thị 25 của Ban Bí thư năm 2018 chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” và phát huy vai trò “nòng cốt”, dẫn dắt của Việt Nam.
Đại hội đại biểu lần thứ XIII (2020) xác định nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Gắn kết chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích; xử lý linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn…
Kết quả, đến nay về đối ngoại đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Có thể khẳng định, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trong đó có những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao. Ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã luôn luôn vì lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định và nhất quán về đường lối; sáng tạo, linh hoạt về sách lược đã tạo thành đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đánh giá về thành tựu đối ngoại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Có được kết quả đó, trước hết, công tác đối ngoại đã xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Thứ hai, trong tâm thế và khát vọng phát triển, vươn lên của dân tộc, đối ngoại Việt Nam đã sáng tạo, linh hoạt, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao vị thế đất nước. Thứ ba, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc, góp phần “giữ nước sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”. Thứ tư, công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại đa phương, đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Sở Ngoại vụ Bắc Giang chủ trì phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức hội thảo “Đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” và chủ trương đối ngoại của tỉnh Bắc Giang”
Đối với tỉnh Bắc Giang, thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua công tác đối ngoại của tỉnh được quan tâm đẩy mạnh, mở rộng, đa dạng về hình thức. Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX đã xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại của tỉnh là “đổi mới cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại của tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của tỉnh”. Tỉnh đã chủ động trao đổi thông tin, thiết lập quan hệ với một số địa phương của nước ngoài; lãnh đạo tỉnh tham gia các đoàn công tác cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tổ chức đối thoại với một số nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; thực hiện việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang với và các tỉnh giáp ranh và các địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với nhiều tập đoàn lớn, thương hiệu quốc tế... ký kết và chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh với tỉnh Xay Sổm Bun, Lào; tổ chức tiếp đón, làm việc với nhiều đoàn công tác của các địa phương ngoài nước. Trong những tháng đầu năm 2024; lãnh đạo Tỉnh uỷ tiếp, làm việc với Đoàn công tác của Bí thư Thành uỷ Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; tổ chức đoàn công tác đi Nhật Bản để xúc tiến hợp tác cấp địa phương với tỉnh Chi-ba, kí kết bản ghi nhớ với trường đại học Osaka Metropolitan… Đã tổ chức 03 hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó có 01 hội nghị do Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức, 02 hội nghị, hội thảo của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức. Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh qua các ấn phẩm đối ngoại, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội tới các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước...
Kết quả trong 06 tháng đầu năm 2024, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song nhờ sự chủ động, quyết liệt, kịp thời, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế đạt 14,14% cao nhất cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính tiếp tục duy trì nhóm các tỉnh đứng đầu. Thu hút đầu tư vốn FDI đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (06 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 1.300,8 triệu USD tổng vốn đầu tư quy đổi. Trong đó, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 9.506,22 tỷ đồng và 34 dự án FDI, vốn đăng ký đạt 238,8 triệu USD. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư sản xuất kinh doanh như: Công ty Luxshare; JA Sola, Foxconn, Fukang…). Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo… Có được những kết quả trên, công tác đối ngoại của tỉnh đã góp phần nâng tầm vị thế và hình ảnh của một tỉnh năng động, sáng tạo, góp phần thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại của tỉnh vẫn còn những hạn chế như: một số cấp ủy chưa xác định được tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại. Công tác tuyên truyền tại một số địa phương, cơ sở còn thiếu sự đa dạng; chưa khai thác hiệu quả lợi thế của công nghệ thông tin, các phương thức truyền thông mới trên intenet, mạng xã hội. Công tác nghiên cứu, dự báo tình hình còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ nhiều lúc còn chưa chặt chẽ…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới công tác đối ngoại của tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai cụ thể hóa đường lối, chủ trương, các văn bản của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công đối ngoại đến đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Triển khai có hiệu quả Kết luận số 57- KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt thông tin, phân tích, dự báo tình hình quốc tế và khu vực để xây dựng và triển khai các chính sách, hoạt động đối ngoại phù hợp, nắm bắt được thời cơ thuận lợi phục vụ sự phát triển của tỉnh.
3. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh tập trung tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh về truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng thế mạnh, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường tin, bài và nâng cao chất lượng nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, các chuyên trang, chuyên mục về thông tin đối ngoại; đưa tin kịp thời các sự kiện đối ngoại của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Nâng cao chất lượng nội dung thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Báo Bắc Giang điện tử, trang thông tin điện tử của các địa phương, đơn vị.
4. Chủ động đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân về các hoạt động đối ngoại để kịp thời định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các địa phương, đơn vị.
Trần Tuấn Nam, Tỉnh ủy viên,
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy