Nội dung tác phẩm đề cập nhiều vấn đề rất hệ trọng, rất phong phú, toàn diện về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và công tác cán bộ, vừa mang tầm cao lý luận, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Trong tác phẩm, Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”. Song Bác cũng chỉ rõ cán bộ, đảng viên dễ mắc phải nhiều khuyết điểm.
|
Đồng chí Thân Minh Quế tặng Giấy khen của BTV Đảng ủy Các cơ quan tỉnh cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo Bác. Ảnh: Hữu Trình. |
Cụ thể, vì kém tính Đảng mà có những bệnh sau này: Bệnh ba hoa, bệnh chủ quan, bệnh địa phương, bệnh hình thức, bệnh ham danh vị, bệnh ích kỷ, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh hủ hoá, bệnh cẩu thả, bệnh thiếu ngăn nắp, bệnh xa quần chúng, bệnh lười biếng, “Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc”.
Bác đặt ra câu hỏi, chỉ ra nguyên nhân và cách khắc phục: “Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và tự đâu mà đến? Khuyết điểm đâu mà nhiều thế? Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, kiên quyết, vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng. Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.
Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình. Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng...
Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc tháng 10/1963, Bác nhắc nhở: “Làm cách mạng thì có đúng có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên.Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng”, “Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị”.
“Sửa đổi lối làm việc” hay “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC” đó là việc làm thiết thực để học tập và làm theo Bác, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc. |
Những lời dạy đó của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa rất thiết thực đối với các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CCVC), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trước hết là trong vấn đề “chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm” của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thực tế, cán bộ, CCVC là những người đang công tác, đang giữ những chức vụ, vị trí việc làm nhất định trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị. Tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm của mỗi người là vấn đề đặc biệt phải chú ý, vì nó thể hiện tư cách của người cán bộ, đảng viên. Nếu thể hiện không đúng, không tốt sẽ làm xấu đi hình ảnh người cán bộ cách mạng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức, xa hơn nữa là làm mất uy tín của Đảng và tính ưu việt của chế độ XHCN.
Về vấn đề chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, CCVC đã có nhiều văn bản, nghị quyết Đảng ta đề cập đến và yêu cầu các cấp, ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nghị quyết số 28 ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nêu 3 mục tiêu, trong đó có mục tiêu: “Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp uỷ, tổ chức đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ T.Ư đến cơ sở”.
Ở Bắc Giang, từ ngày 4/7/2014, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”.
Sau hơn 9 năm thực hiện, BTV Tỉnh ủy đánh giá những kết quả đạt được là rất tích cực, song cũng còn không ít hạn chế cần sớm khắc phục và cũng vì vậy ngày 2/6/2023, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về tiếp tục “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”. Theo đó, BTV Tỉnh uỷ nêu rõ những việc cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải làm; phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.
Để thực hiện tốt nội dung này, trước hết, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần làm tốt công tác tư tưởng, tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ, nội dung Chỉ thị số 26 của BTV Tỉnh ủy và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định có liên quan đến tác phong, lề lối làm việc và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC. Gia tăng hoạt động tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân chưa thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị…
Thứ hai, cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo rà soát lại hệ thống văn bản đã ban hành liên quan đến đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tác phong, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, CCVC; tập trung xây dựng hoặc bổ sung các chương trình, kế hoạch, quy chế, quy định, chuẩn mực đạo đức… nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chỉ thị số 26 bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế cơ quan, đơn vị mình.
Đặc biệt, hằng năm mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng chương trình hành động, trong đó cụ thể hóa phương châm “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung), ngoài ra có thể bổ sung: Dám nghĩ, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với những khó khăn thách thức, dám hành động quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện phương châm “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn)…
Các cấp ủy cơ sở, tổ chức đảng phối hợp với tập thể lãnh đạo cơ quan chủ động xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác với phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả), phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ thuộc diện cấp mình quản lý, chú ý không để chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ, không né tránh, đùn đẩy công việc cho cơ quan khác, xuống cấp dưới hoặc lên cấp trên.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn với thanh tra công vụ, thanh tra nhân dân; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 26 vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp, hoặc chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan, đơn vị.
Thứ tư,các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể cùng cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt những điều Bác dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, chú ý thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 26 và nội quy, quy định của tổ chức đoàn thể; cụ thể hoá các nội dung Chỉ thị này thành các phong trào thi đua, cuộc vận động trong tổ chức mình, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Đồng thời, chú trọng làm tốt vai trò giám sát, phản biện theo chức năng, thẩm quyền, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, xây dựng đoàn thể trong sạch vững mạnh.
Một mùa xuân mới lại về, mừng Đảng 94 tuổi, mừng xuân Giáp Thìn, mừng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, mừng quê hương Bắc Giang năm qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong cả nước. Mỗi chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu, người lãnh tụ vĩ đại đã sáng lập và rèn luyện Đảng ta, để lại cho chúng ta di sản to lớn là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Dù Người đã đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người mãi mãi để chúng ta học tập và noi theo. “Sửa đổi lối làm việc” hay “Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC” đó là việc làm thiết thực để học tập và làm theo Bác, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
PGS.TS Thân Minh Quế, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các cơ quan tỉnh