Sign In

Khẳng định vai trò, vị trí phụ nữ trong thời kỳ mới

09:26 16/08/2023
BẮC GIANG - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kỳ mới (gọi tắt là Chỉ thị số 21), các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp, khẳng định vai trò, vị trí trên các lĩnh vực.

Đổi mới tuyên truyền

Quán triệt yêu cầu của Chỉ thị về tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục được Hội LHPN tỉnh chú trọng đổi mới về nội dung, đa dạng, linh hoạt về hình thức. Đó là nâng cao chất lượng tài liệu hướng dẫn sinh hoạt hội viên hằng quý; nâng cấp cổng thông tin điện tử của Hội; phối hợp xây dựng chuyên trang - chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn tài liệu chuyên đề hỏi - đáp. Đồng thời tổ chức hội thi, tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, tích cực truyền thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage… 

Phụ nữ Bắc Giang quảng bá sản phẩm OCOOP của địa phương.       Ảnh: Lệ Thanh.

Phụ nữ Bắc Giang quảng bá sản phẩm OCOOP của địa phương. Ảnh: Lệ Thanh.

Hằng năm, có 95% trở lên hội viên, phụ nữ được tiếp cận với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội. Hoạt động đó đã góp phần tích cực làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Cùng đó, các cấp hội tập trung thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo hướng lựa chọn vấn đề ưu tiên, trọng tâm liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Với yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình và trẻ em, các quyết định, hoạt động giám sát của Hội có nhiều đổi mới và ngày càng thực chất. 

Trong 5 năm, các cấp hội tập trung giám sát việc thực hiện 12 chính sách pháp luật về trẻ em, an toàn thực phẩm, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới. Sau giám sát, Hội đã kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng về việc thực hiện văn bản, chính sách tại địa phương; nhiều kiến nghị, đề xuất được tiếp thu, chỉ đạo triển khai. 

Các cấp hội chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân, tham mưu, phối hợp tổ chức 774 cuộc đối thoại với cấp ủy, chính quyền về các vấn đề liên quan đến quyền lợi cán bộ, hội viên phụ nữ và trẻ em. Đóng góp gần 58 nghìn ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và góp ý đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Nhờ đó giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án.

Nhiều giải pháp được vận dụng để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội cơ sở, đa dạng hóa các loại hình tập hợp, phát triển và quản lý hội viên. Đến nay, toàn tỉnh có gần 85% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên có mặt tại địa phương tham gia sinh hoạt.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, hội viên

Bằng nhiều hình thức, các cơ sở hội đã tập trung tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Chủ động ký kết các chương trình phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Duy trì hoạt động Ban tư vấn giáo dục đời sống gia đình cấp tỉnh và 215 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, 14 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại cơ sở hỗ trợ phụ nữ và trẻ em.

Cùng đó tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 306 nghìn hội viên phụ nữ có ý tưởng, nữ chủ doanh nghiệp, thành viên hợp tác xã, tổ liên kết, phụ nữ vay vốn. Đồng thời giúp hơn 1,4 nghìn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; đào tạo nghề cho gần 26 nghìn hội viên, qua đó gần 15 nghìn phụ nữ có việc làm. Nhờ những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ, gần 12 nghìn hộ thoát nghèo, trong đó hơn 3,4 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21, trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đối với công tác phụ nữ cũng như công tác cán bộ nữ được nâng lên.

Các tổ chức hội đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu với cấp ủy cùng cấp trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 và tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng so với nhiệm kỳ trước; hơn 1,3 nghìn cán bộ, hội viên phụ nữ được kết nạp vào Đảng.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21, trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đối với công tác phụ nữ cũng như công tác cán bộ nữ được nâng lên. Qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội thể hiện năng lực, góp phần quan trọng cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình phát triển KT - XH. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp thu những thành quả của công cuộc đổi mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí trên tất cả các lĩnh vực, được xã hội ghi nhận.

Minh Châu


Tag:

File đính kèm