Sign In

“Tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc

08:34 15/05/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng yếu, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt là việc giúp người dân “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân tham gia tích cực

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối và biện pháp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nổi bật là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TƯ về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự quản lý của Nhà nước thể hiện rõ nét nhất là trong công tác quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội. Theo đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các giải pháp kỹ thuật phù hợp; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ, ngăn chặn, xử lý đúng pháp luật đối với nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử và các cá nhân lưu trữ, cung cấp, đăng tải, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, nói xấu, kích động, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên internet và mạng xã hội.

Bên cạnh đó, xuất phát từ quan điểm “dân là gốc”, là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia, vừa thụ hưởng thành quả của sự phát triển, để nâng cao “sức đề kháng” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đặc biệt là đấu tranh trên không gian mạng, một trong những "liều vắc xin” là phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức cho nhân dân. Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp mỗi người dân đủ sức nhận thức, phân biệt đúng - sai, tích cực - tiêu cực, tốt - xấu, từ đó tạo nên “sức đề kháng”, dần dần hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đây là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với nhân dân.

Trên thực tế, báo chí đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp mỗi công dân nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí đã cung cấp chính xác, kịp thời thông tin; chủ động phân tích, làm rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, quan điểm thù địch ở từng cấp độ thông tin khác nhau liên quan đến chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng cho nhân dân. Đặc biệt, báo chí đã có những hệ thống thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch; có những thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời đối với từng loại thông tin sai trái, thù địch. Nhờ đó, nhân dân nâng cao khả năng “miễn dịch” trước những chiêu trò chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.

Kết quả sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam thể hiện trên những mặt chủ yếu:

Một là, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ, phát triển và làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam; đồng thời, vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; bảo vệ thành công các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng.

Hai là, chủ động phát hiện, ngăn chặn và làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế ở Việt Nam như ý đồ “tư nhân hóa” nền kinh tế, tiến công vào vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được độc lập, tự chủ, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch hòng thay đổi hệ giá trị văn hóa Việt Nam; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước không ngừng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội; làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Bốn là, làm thất bại mưu đồ bao vây, cấm vận, cô lập Việt Nam, cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế. Trên thực tế, Việt Nam tạo được môi trường thuận lợi phục vụ cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao; tranh thủ được nhiều diễn đàn quốc tế để đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những kết quả đó được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chuyển biến tích cực”[1]; “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”[2].

Năm 2023, Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục khẳng định: Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TƯ, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra “thế trận lòng dân” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một số giải pháp chủ yếu

Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế, khu vực còn nhiều diễn biến khó lường. Ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch. Tình hình đó đặt ra yêu cầu mới đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết phải bảo vệ vững chắc nội bộ. Nội bộ đoàn kết, không dao động, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì các thế lực thù địch dù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt đến mấy cũng khó bề làm lung lay ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải bảo đảm tính khách quan khi phân tích, lý giải và đánh giá đúng bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt, cường điệu hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như không được hạ thấp, xem nhẹ vai trò của nó. Bởi vì học thuyết Mác - Lênin là cơ sở thế giới quan, cơ sở phương pháp luận khoa học của nhân loại, gợi mở cho sự nghiên cứu tiếp tục trong tương lai của loài người. Do đó, trong nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải xem đó là một lĩnh vực khoa học, tức là phải nghiên cứu kỹ cả về lý luận và thực tiễn.

Thứ ba, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý các hoạt động trên không gian mạng, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ tư, mỗi người dân phải hành động một cách lý trí khi đăng tải bài viết, biểu thị cảm xúc hoặc chia sẻ các liên kết và khi tham gia những cuộc thảo luận về các chủ đề trên mạng xã hội; tăng cường đăng tải những thông tin chính thống, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, những thông điệp tốt đẹp tới cộng đồng; đồng thời, phản biện những thông tin sai trái, phiến diện và sự chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy các thế lực thù địch luôn chống phá, nhưng với chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sự quản lý, điều hành sâu sát, hiệu quả của Nhà nước và sự tham gia toàn dân, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phát huy những thành tựu đạt được và thực hiện thành công những giải pháp đề ra sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thời kỳ mới.

----------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.74.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.171.

Theo Baobacgiang.vn

Tag:

File đính kèm