Cách đây hơn chục năm, chúng tôi có chuyến công tác ở huyện Sơn Động, nhân đợt sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Dịp ấy, chúng tôi có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo UBND huyện trong dãy nhà được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có lẽ do “áy náy” nên sau bữa cơm tối, lãnh đạo Văn phòng UBND huyện định thu xếp cho chúng tôi ra nghỉ ở nhà nghỉ tư nhân ngoài thị trấn An Châu. Tuy nhiên cả đoàn đều xin được nghỉ lại trong ngôi nhà khách đã xuống cấp của huyện.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng các điển hình xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Nói “xin” được nghỉ lại như thế là bởi trước buổi làm việc với lãnh đạo huyện hôm ấy, chúng tôi đã có gần 2 ngày đi cơ sở và phát hiện ra một điều khá ấn tượng: Ở huyện Sơn Động có nhiều xã trụ sở cũ và "bé” nhưng trường học thì mới và rất chính quy; lại có nhiều trụ sở cấp xã vừa mới được xây dựng rất đàng hoàng, to đẹp. Nhiều đồng chí cán bộ và nhân dân ở đây cho biết: Nhiều năm nay huyện chủ trương “Trường - Trạm xây trước, hội trường xây sau; ưu tiên xã trước, đầu tư huyện sau”. Đến thời điểm ấy, toàn huyện đã có 35 trường học (chiếm 58%) đạt chuẩn quốc gia về giáo dục, 19/23 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Đây là kết quả bước đầu thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với tinh thần thực hành tiết kiệm và phương châm “việc gì có lợi cho dân thì cố sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” của Bác Hồ.
Được biết từ đó đến nay, nhân dân và cán bộ huyện Sơn Động vẫn tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; chủ động vượt qua khó khăn của điều kiện tự nhiên và xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có, nhất là lợi thế về diện tích rừng, đất lâm nghiệp và tiềm năng du lịch. Nhờ đó, huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân... Những năm gần đây, kinh tế huyện Sơn Động tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm trên 13%. Nguồn vốn từ các chương trình 134, 135 của Chính phủ và các Chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả đã giúp cho diện mạo nông thôn vùng cao Sơn Động ngày càng khởi sắc...
Đó là câu chuyện học tập và làm theo Bác ở một huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang từ hơn chục năm trước. Mới đây, một đồng nghiệp của tôi vừa trở về từ quần đảo Trường Sa, mang theo rất nhiều ấn tượng về những điều mắt thấy tai nghe lần đầu tiên được đặt chân lên “quần đảo bão tố”. Một trong những điều anh tâm đắc nhất với bạn bè là câu chuyện cán bộ các cấp ở Trường Sa “gác thay cho chiến sĩ xem văn công”.
Chuyện rằng, cùng chuyến công tác với anh có một tốp văn công chuyên nghiệp ra phục vụ quân và dân huyện đảo. Đối với bộ đội Trường Sa thì đó là món quà hấp dẫn nhất. Chiến sĩ nào phải canh gác nhằm đúng vào hôm có văn công biểu diễn thì thật là một sự tiếc nuối vô cùng. Và anh thấy đêm văn công ở đảo nào cũng có một số cán bộ các cấp ra gác thay cho chiến sĩ. Hỏi chuyện mọi người thì anh được biết: Đó là một trong những hành động thiết thực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của bộ đội Trường Sa với phương châm “Học tập” Bác là học tập ý thức nêu gương của người cán bộ; “Làm theo” Bác là làm theo tinh thần lời nói phải đi đôi với việc làm.
Sinh thời, Bác Hồ luôn căn dặn cán bộ và chiến sĩ phải thương yêu, đoàn kết như anh em, “chiến sĩ ăn chưa no thì cán bộ không được kêu đói, chiến sĩ mặc chưa ấm thì cán bộ không được kêu rét”… Tình thương yêu bộ đội của Bác luôn luôn được thể hiện bằng những việc làm thiết thực. Mỗi khi đến thăm các đơn vị, Bác thường trực tiếp xem mâm cơm, nhà nghỉ của bộ đội. Câu chuyện “Đêm nay Bác không ngủ” với hình ảnh “rồi Bác đi dém chăn/ Từng người, từng người một/ Sợ cháu mình giật thột/ Bác nhón chân nhẹ nhàng…” đã trở thành áng văn bất hủ về một vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa UBND TP Bắc Giang
Thực tiễn cách mạng và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian gần đây khiến chúng ta càng thấm thía vì sao Bác Hồ lại luôn đề cao sự nêu gương. Tư tưởng nêu gương quán xuyến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Từ năm 1924, khi theo học tại Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Người đã từng phát biểu: Một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Sau này trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người càng chú trọng thực hành nêu gương và quan tâm đến việc nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư”. Có thể nói, nêu gương không chỉ là yêu cầu, chỉ thị của Bác mà đó là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực tế, nêu gương chẳng phải là điều gì xa lạ đối với mỗi người. Ở đâu và lúc nào cũng cần sự nêu gương. Từ mỗi gia đình đến cộng đồng xã hội đều đòi hỏi “cấp trên” phải làm gương cho cấp dưới, người lớn tuổi phải làm gương cho người trẻ tuổi, cán bộ và đảng viên phải làm gương cho quần chúng nhân dân. Đặc biệt, sự gương mẫu của cán bộ và đảng viên, nhất là những người đứng đầu ở các cấp, sẽ có tác động lan tỏa tích cực trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sinh thời, không ít lần Bác Hồ đã nhắc nhở rằng những người hôm qua là anh hùng, không nhất thiết hôm nay vẫn là anh hùng, nếu ai đó lơ là việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, nếu ai đó không tự vượt lên khỏi sự cám dỗ của tiền tài, vật chất và danh vọng...
Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ là ra sức làm tốt những điều chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng; Kết luận của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay để giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng. Và đi đôi với công tác xây dựng Đảng rất cần kịp thời phát hiện, khuyến khích và nhân rộng những việc làm “nhỏ” trong học tập, làm theo Di chúc cũng như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là vinh dự mà là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên để góp sức, chung lòng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Theo Baobacgiang.vn