Năm 2010, anh Tăng Văn Huy (SN 1982), người dân tộc Nùng được tuyển dụng vào làm việc tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn. Được đào tạo bài bản (Thạc sĩ Nông nghiệp), có năng lực chuyên môn, là người dân tộc thiểu số nên cán bộ trẻ này nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của huyện trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và sử dụng. Thể hiện rõ nét qua việc, tháng 9/2012, đồng chí được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND xã Phong Minh và sau hơn 2 năm công tác tại đây, với sự trưởng thành về chuyên môn, được bổ nhiệm vào vị trí Phó trưởng Phòng, sau đó là Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện. Đến tháng 8/2022, đáp ứng yêu cầu trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy luân chuyển đồng chí về làm Bí thư Đảng ủy xã Nam Dương cho đến nay.
Đồng chí Tăng Văn Huy, Bí thư Đảng ủy xã Nam Dương (thứ hai từ phải sang) cùng cán bộ huyện, xã kiểm tra khu vực triển khai dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư xã
Trong khoảng thời gian 14 năm công tác, ngoài học tập nâng cao trình độ, đồng chí Huy còn được BTV Huyện ủy cử đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị, được quy hoạch và tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Đồng chí Huy tâm sự: “Việc được thử thách qua nhiều môi trường công tác từ huyện đến cơ sở, ở cả khối Nhà nước và khối Đảng giúp tôi rèn luyện, trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời có điều kiện cống hiến, xây dựng, phát triển quê hương nhiều hơn”.
Với đặc thù là địa bàn có 8 dân tộc anh em chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 51% nên nhiều năm qua, công tác cán bộ nói chung và cán bộ người DTTS nói riêng ở Đảng bộ huyện Lục Ngạn được đặc biệt quan tâm. Hằng năm, BTV Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy tổ chức tốt việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm căn cứ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và bố trí sử dụng. Trong đó, những cán bộ là người DTTS được đào tạo bài bản về chuyên môn, có năng lực, triển vọng phát triển đều cơ bản được quy hoạch nguồn lãnh đạo các phòng, ban hoặc quy hoạch vào cấp ủy, chức danh chủ chốt cấp huyện và cơ sở.
Phương châm chỉ đạo của BTV Huyện ủy là quy hoạch phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động để mỗi cán bộ kinh qua nhiều chức vụ, vị trí công tác, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS bảo đảm chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ. Đơn cử, trước khi được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Sa Lý (tháng 4/2024), đồng chí Vi Văn An, người dân tộc Nùng trải qua rất nhiều lĩnh vực, từ phòng kinh tế, phòng dân tộc, nội vụ cho đến lãnh đạo UBND xã, lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện và các ban xây dựng Đảng như dân vận, tổ chức.
Đồng chí Vi Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Sa Lý (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở bộ phận "Một cửa" xã
Hay như đồng chí Hoàng Văn Lậy (SN 1974), người dân tộc Nùng cũng từng có khoảng thời gian dài làm lãnh đạo các phòng dân tộc, phòng kinh tế hạ tầng, phó chủ tịch UBND cấp xã và hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện…
Theo tổng hợp của Ban Tổ chức Huyện ủy, hiện nay trong số 90 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện thì có 14 đồng chí là người DTTS, chiếm hơn 15,5%, trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định về tiêu chuẩn chức danh và theo yêu cầu vị trí việc làm. Trong khi đó, ở cấp xã, số cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS là 165 người, chiếm gần 33%. Ở cấp này, nhờ được bồi dưỡng thường xuyên nên đội ngũ cán bộ người DTTS ngoài chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn nâng cao được kỹ năng công tác và năng lực thực tiễn, từng bước đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Đáng chú ý, huyện cũng quan tâm sắp xếp, bố trí cơ cấu cán bộ người DTTS trong đảng ủy, các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền và trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng bảo đảm phù hợp với tỷ lệ người DTTS. Như tại xã Đèo Gia, khoảng 50% cán bộ, công chức ở đây là người DTTS. Số lượng này cơ bản phù hợp với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn (gần 70%).
Tại xã Sa Lý, là địa bàn với dân số chủ yếu là người dân tộc Sán Chí, Tày nên ở xã, 100% cán bộ, công chức được bố trí là người DTTS. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, đội ngũ này thường xuyên được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ. Hiện 100% cán bộ chủ chốt xã đã có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị trung cấp trở lên… Theo lãnh đạo Huyện ủy, việc bố trí bảo đảm cơ cấu như vậy bên cạnh việc góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS còn tạo ra những thuận lợi trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, khu vực có đông đồng bào DTTS.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Văn Hoàn chia sẻ: “Nhiều năm qua, công tác cán bộ người DTTS thường xuyên được các cấp ủy trong Đảng bộ huyện quan tâm. Bên cạnh việc quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ người DTTS, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn cả về chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ này. Nhờ vậy, chất lượng cán bộ DTTS từng bước nâng lên, có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương”.
Thời gian tới, Huyện ủy, BTV Huyện ủy sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác cán bộ người DTTS. Coi trọng việc xây dựng đội ngũ này cả về lượng và chất, qua đó tạo điều kiện để họ khẳng định vị trí, vai trò trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương Lục Ngạn.
Theo Baobacgiang.vn