Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Duy Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
|
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi làm việc
|
Toàn tỉnh hiện có 80.766 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,5% tổng dân số của tỉnh; trong đó có 27.685 trẻ em dưới 6 tuổi, 1.184 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 26.970 trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể xã hội. HĐND tỉnh đã ban hành 11 nghị quyết có liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em; UBND tỉnh đã ban hành 16 kế hoạch, 25 quyết định, 12 công văn chỉ đạo và thành lập Ban Chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ và bố trí nguồn lực thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; triển khai có hiệu quả các mô hình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đảm bảo quy trình, tiến độ, nội dung và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em; hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe, cơ hội học tập để phát triển toàn diện, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong 10 năm, toàn tỉnh tổ chức 9 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh; 12 diễn đàn trẻ em cấp huyện, thành phố; 7 diễn đàn trẻ em cấp xã. Toàn tỉnh xây dựng được 10 mô hình về bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 2 mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật tại cộng đồng; 2 mô hình phòng ngừa trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; 3 mô hình phòng ngừa và trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; 10 mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 8/8 huyện, thành phố…
|
Đ/c Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phương Thị Thanh kiến nghị với đoàn công tác |
Tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ tăng cường đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn như tỉnh Bắc Kạn trong triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án để thúc đẩy phát triển thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Quan tâm giới thiệu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có khả năng hỗ trợ nguồn lực thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Hỗ trợ thiết bị vui chơi, xây dựng nhà bán trú dân nuôi theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn tại Công văn số 1971/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26/9/2022…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Hằng năm đưa các chỉ tiêu về trẻ em lồng ghép vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với trẻ em; có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo. Phát hiện và biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động tội phạm và cản trở việc thực hiện các quyền của trẻ em./.