Sign In

Bệnh lười đọc báo chí của Đảng

16:35 10/05/2023
BBK -Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện nghe, nhìn, nhất là mạng xã hội ngày càng phong phú. Thế nhưng các tác phẩm từ báo, tạp chí của Đảng vẫn là kênh thông tin chính thống, chuẩn mực và tin cậy để định hướng dư luận. Vậy mà vẫn có không ít cán bộ đảng viên mắc căn bệnh lười đọc báo, tạp chí của Đảng.

Bệnh lười đọc báo chí của Đảng ảnh 1

Người dân thôn Thái Lạo, xã Yên Cư (Chợ Mới) đọc Báo Bắc Kạn. Ảnh Lý Dũng

Cách đây 4 năm, tôi cùng đoàn cán bộ của Công ty Phát hành Báo chí Trung ương, Báo Nhân Dân đi một số địa phương, cơ quan, đơn vị để khảo sát việc phát hành Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản và các báo Đảng địa phương. Kết quả thật đáng buồn là đã có không ít địa phương, cơ quan, đơn vị cắt xén kinh phí mua báo, tạp chí in của Đảng. Sử dụng kinh phí mua báo, tạp chí in của Đảng để mua báo, tạp chí khác. Có nơi còn dùng kinh phí đó để mua văn phòng phẩm, đồ dùng sinh hoạt, thậm chí còn dùng để tiếp khách.

Có nơi mua báo, tạp chí in của Đảng về rồi để đấy, không đọc dẫn tới từng chồng báo, tạp chí để vài năm vẫn… mới. Hỏi chuyện nhiều cán bộ về bài viết của địa phương mình trên báo, chúng tôi chỉ nhận được cái… cười trừ vì… không biết.

Nhiều cán bộ phàn nàn với tôi do công việc bận rộn quá nên không có thời gian đọc báo hoặc “tôi đã đọc báo điện tử rồi nên không đọc báo giấy nữa”. Cũng có người thẳng thắn phê bình “Báo của các ông vừa khô như ngói, vừa đưa chậm thông tin”…

Về phía những người làm báo chúng tôi, thắng thắn mà nói cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiều chiều của bạn đọc. Thế nhưng còn trách nhiệm của người không mua báo theo quy định và những người lười đọc báo chí của Đảng?

Kể từ ngày Đảng ta ra đời (03/02/1930), báo và tạp chí của Đảng cùng sách lý luận chính trị là những kênh thông tin quan trọng hàng đầu chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo sự đồng thuận xã hội; góp phần nâng cao dân trí; động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Trên thực tế, có lúc, báo và tạp chí Đảng còn có vai trò “cầm tay chỉ việc”. Chẳng hạn, Báo Nhân Dân, Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), Báo Bắc Kạn… có khi làm nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể, chi tiết một số mặt công tác về xây dựng Đảng, công tác dân vận, công tác đoàn thể… Từng hướng dẫn, từng kinh nghiệm góp phần tích cực vào tác nghiệp cụ thể trong các công tác, nhất là công tác Đảng.

Bên cạnh đó, báo và tạp chí của Đảng còn giới thiệu những tập thể và cá nhân điển hình trong công tác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng. Các điển hình này có thể vừa giúp người đọc học tập kinh nghiệm vừa góp phần tạo ra phong trào với các biện pháp cụ thể để nhân rộng điển hình đó trong từng địa phương, cơ quan đơn vị.

Sau chuyến khảo sát đó, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước. Một năm sau đó (tháng 4 năm 2020), Ban Bí thư đã có Thông báo số 173-TB/TW và ban hành Chỉ thị số 44 –CT/TW chấn chỉnh việc một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tác dụng của báo, tạp chí của Đảng, sách lý luận chính trị trong sinh hoạt Đảng và cuộc sống. Điều này cho thấy Đảng đã nhìn rõ nguyên nhân nhiều tổ chức đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân, đảng viên, cán bộ còn yếu kém có một phần do không chịu đọc, nghiên cứu báo, tạp chí, sách lý luận của Đảng, từ đó dẫn tới sa sút ý chí chiến đấu, dao động tư tưởng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thông báo Kết luận số 173 ngày 06/4/2020 của Ban Bí thư còn yêu cầu: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan báo chí của Đảng quan tâm thực hiện việc nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của báo, tạp chí của Đảng, coi đây là tài liệu sinh hoạt Đảng và công tác tuyên truyền quan trọng giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao trình độ lý luận chính trị, vận dụng kiến thức vào sản xuất, đời sống… Cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo các cấp phải gương mẫu đọc, nghiên cứu báo, tạp chí của Đảng”.

Chỉ tính riêng tỉnh Bắc Kạn, theo báo cáo ngày 03/01/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn, năm 2022 có 242/455 chi, đảng bộ đặt mua Báo Nhân Dân (tỷ lệ đạt 53,2%); Có 227/455 chi, đảng bộ đặt mua Tạp chí Cộng sản (tỷ lệ đạt 49,9%): Có 327/455 chi, đảng bộ đặt mua Báo Bắc Kạn (tỷ lệ đạt 71,9%).

Một số địa phương của Bắc Kạn có tỷ lệ đặt mua trong năm 2022 cả hai loại báo của Trung ương là Báo Nhân Dân và Tạp chí Cộng sản đạt thấp như: Huyện ủy Chợ Đồn (Báo Nhân Dân đạt 28,6%,Tạp chí Cộng sản 20,4%); Huyện ủy Chợ Mới (Báo Nhân Dân đạt 31,8%, Tạp chí Cộng sản 45,5%); Thành ủy Bắc Kạn (Báo Nhân Dân đạt 34,8%, Tạp chí Cộng sản đạt 43,5%); Huyện ủy Ba Bể (Báo Nhân Dân đạt 37,5%, Tạp chí Cộng sản đạt 29,2%)…

Sau 3 năm thực hiện Thông báo số 173-TB/TW và Chỉ thị số 44–CT/TW của Ban Bí thư, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có chuyển biến rõ nét trong việc đọc báo, tạp chí của Đảng, nhưng cũng còn không ít địa phương chuyển biến chậm. Cá biệt còn có địa phương, cơ quan, đơn vị không mua và đọc báo, tạp chí của Đảng.

Cách đây gần 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết: “Cần phải xem báo Đảng”, ký tên C.B, đăng trên Báo Nhân Dân, số 197, ra ngày 24/6/1954, đã thẳng thắn phê bình căn bệnh lười đọc báo của không ít cán bộ, đảng viên lúc đó: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”. Vì thế, phải sửa chữa ngay khuyết điểm lười đọc báo: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay”. Bác mong muốn cán bộ, đảng viên cần thay đổi ngay: “Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo. Đó là điều chúng ta phải học tập”.

Thiết nghĩ, bài báo của Bác Hồ đến bây giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, trong đó “biểu hiện thứ 3” là: Không ít cán bộ, đảng viên có nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị, lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những lý luận, thông tin có chiều sâu, định hướng quan trọng cần nghiên cứu, học tập, vận dụng có sẵn trong sách báo, tài liệu đã không được lĩnh hội, thẩm thấu, quán triệt đến nơi đến chốn nên nhiều vấn đề rất thiết thực trong công việc hằng ngày mà cán bộ, đảng viên nắm không sâu, hiểu không rõ, dễ sa vào giáo điều hoặc lúng túng về phương pháp. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đã chỉ ra một thực tế: “Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao”.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, các thế lực thù địch và phản động luôn tìm mọi cách chống phá với những chiêu thức rất bài bản, xảo quyệt. Nhiều bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội được chắp bút, nhào nặn câu chữ từ những kẻ có học vấn cao, có tư duy phản biện lọc lõi, nguy hiểm. Chính vì thế, đối với cán bộ, đảng viên thì việc “đọc sâu, hiểu kỹ, biết rộng” là rất cần thiết, không được xem nhẹ. Đặc biệt, hiện nay, các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thì việc bổ sung, tiếp nhận, thu nạp những kiến thức từ sách, báo, tài liệu của Đảng là hết sức quan trọng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức./.

Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ

Tag:

File đính kèm