BBK - Phát huy tinh thần tiên phong, anh Nông Đức Thiệp ở thôn Liên Kết, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) luôn năng động, sáng tạo, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.
|
Trang trại nhà anh Thiệp nuôi 15 con lợn nái để chủ động nguồn con giống. |
Chia sẻ về quá trình vươn lên làm giàu, anh Nông Đức Thiệp kể: Tôi sinh năm 1968 tại xã Hương Nê (nay là xã Hiệp Lực). Trước khi lập gia đình, tôi vào miền Nam làm ăn với ước mơ đổi đời. Nhưng chỉ sau 4 năm bươn chải thấy không đâu bằng quê hương, năm 1992 tôi trở về quê sinh sống. Năm 1993 tôi lập gia đình, đến năm 1997 hai vợ chồng ra ở riêng với số của cải là 01 con trâu nái và chút ít vốn...
Để gây dựng kinh tế, vợ chồng anh bàn nhau tập trung chăn nuôi lợn và bám vào đồng ruộng, tích góp từng chút. Ban đầu, anh mua một con lợn ta giống và nuôi khoảng 8 tháng thì bán. Thấy có hiệu quả, anh tiếp tục phát triển chăn nuôi nhưng chuyển sang mua giống lợn lai để gia tăng hiệu quả kinh tế. Sau hai năm, khi đã có kinh nghiệm về chăn nuôi, bằng những đồng vốn chắt bóp, anh bắt đầu mở rộng quy mô với 100 con vịt, ngan, 200 con gà và nuôi lợn kết hợp nấu rượu.
Những năm sau đó, quy mô chăn nuôi của gia đình anh tiếp tục được nâng lên. Anh nuôi thêm lợn nái để chủ động con giống, nuôi lợn thương phẩm kết hợp nấu rượu, phát triển đàn trâu bò. Từ 01 con trâu bố mẹ cho khi ra ở riêng, gia đình anh đã phát triển tăng đàn lên 05 con, đồng thời mua thêm hai cặp bò sinh sản. Nhận thấy việc chăn nuôi cần phải có quy mô lớn mới làm giàu được, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng nuôi 100 con lợn thịt và 15 con lợn nái. Nhờ đó, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định và từng bước làm giàu.
Năm 2005, anh Nghiệp vinh dự được kết nạp Đảng. Là đảng viên, anh càng tâm niệm phát tiên phong, gương mẫu vươn lên phát triển kinh tế để bà con học tập và làm theo. Những kiến thức tiếp thu được từ các chương trình tập huấn đều được anh áp dụng vào thực tiễn. Không chỉ thực hiện theo kỹ thuật đã được hướng dẫn, anh còn tự nghiên cứu tài liệu và học hỏi thêm qua bạn bè gần xa.
Trước hết, anh quy hoạch lại trang trại chăn nuôi của gia đình, chia thành các khu vực khác nhau, tùy theo địa hình. Khu trũng, anh múc thành ao tận dụng mặt nước nuôi vịt, ngan, ngỗng, thả cá và nguồn nước tưới cho cây màu. Khi đã định hình xong trang trại, anh tiến hành đầu tư mở rộng. Với nguồn vốn vừa phải, anh tính toán kỹ lượng "trồng cây gì chắc cây đó, thả con gì đảm bảo cho kết quả", để tránh rủi ro trong sản xuất. Năm 2014, gia đình anh mở thêm cửa hàng bán vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi.
|
400 cây hồng không hạt của gia đình anh Thiệp |
Để việc phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả, anh Thiệp đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để làm chuồng trại nuôi lợn, khoảng 2 tỷ tiền vốn kinh doanh thức ăn chăn nuôi và phân bón. Ngoài ra, gia đình anh có hàng chục héc ta rừng với các loại cây luồng và quế. Diện tích đất vườn được anh dành khoảng 1ha trồng hồng không hạt và bưởi da xanh. Hiện nay vườn nhà anh có khoảng 400 cây hồng không hạt, ước vụ năm nay mỗi cây sẽ thu hoạch khoảng 10kg quả.
Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp, năm 2021 gia đình anh Thiệp có tổng thu nhập khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí; năm 2022 tổng thu nhập 900 triệu đồng. Gia đình anh luôn tham gia ủng hộ các loại quỹ và đóng góp xã hội khoảng 5 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay trang trại của gia đình anh tạo việc làm cho 10 - 15 lao động địa phương (tùy thời vụ), với mức thu nhập từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng./.
Tag:
File đính kèm