Sign In

Phát triển đảng viên ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số Bắc Kạn: Kỳ 3- XÂY DỰNG, CỦNG CỐ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ

22:35 03/11/2023
BBK - Ở miền núi, vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng khó khăn về đời sống, tín ngưỡng của đồng bào để phục vụ cho âm mưu tuyên truyền, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định trong vùng đồng bào dân tộc. Vì vậy xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực vai trò lãnh đạo của hạt nhân chính trị ở những vùng này là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 4.859,4 km2, dân số 313.905 người (số liệu điều tra dân số 01/4/2019), trong đó, DTTS chiếm hơn 88% dân số của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Hoa...Toàn tỉnh có 07 huyện và 01 thành phố, 108/108 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó 67 xã khu vực III; 07 xã khu vực II; 34 xã khu vực I và 648 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Vẫn còn “điểm nghẽn”

Bắc Kạn là một trong những tỉnh sớm hoàn thành giải thể các chi bộ cơ quan xã khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ðến nay, tỉnh đã hoàn thành công việc này ở tất cả các chi bộ xã, phường, thị trấn. Ðảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được đưa về sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú và những thôn "trắng" đảng viên, ít đảng viên.

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ (người đứng thứ 2 từ trái qua) dự sinh hoạt chi bộ thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông)

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ (người đứng thứ 2 từ trái qua) dự sinh hoạt chi bộ thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (Bạch Thông)

Việc này không chỉ giúp xóa thôn "trắng" đảng viên, giảm chi bộ sinh hoạt ghép mà còn nâng cao chất lượng chi bộ thôn, bản. Ðảng viên là cán bộ, lãnh đạo xã, phường nhờ đó cũng sâu sát hơn với thực tiễn, cơ sở, vừa tuyên truyền, vận động cũng vừa là người triển khai. Nhờ cách làm đó, cùng với chú trọng tạo nguồn phát triển Ðảng, đến nay, Bắc Kạn đã không còn thôn "trắng" đảng viên. Tỉnh hiện có 1.249 chi bộ thôn sinh hoạt độc lập và 20 chi bộ thôn sinh hoạt ghép.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là một số thôn, bản sau nhiều năm xoá “trắng” đảng viên vẫn không kết nạp được thêm đảng viên mới, không thành lập được chi bộ, phải sinh hoạt ghép với chi bộ thôn khác.

Năm 2016, thôn đồng bào dân tộc Dao Khuổi Kẹn, xã Bản Thi là thôn cuối cùng của huyện Chợ Đồn xoá “trắng” đảng viên. Anh Triệu Đức Ngân với vai trò là trưởng thôn, cũng vinh dự là người đầu tiên của bản được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên đã 7 năm nay, thôn vẫn trong tình trạng chỉ có duy nhất 1 đảng viên, phải sinh hoạt ghép với chi bộ thôn Nà Làng.

Bí thư Đảng uỷ xã Bản Thi Ma Chí Hiếu rất trăn trở về vấn đề này, bởi phải phát triển thêm được đảng viên thì các thôn đồng bào Dao ở đây mới có thể tách chi bộ sinh hoạt độc lập được. Không có tổ chức cơ sở đảng, việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết tới người dân ở đây rất khó khăn, cán bộ xã phải trực tiếp xuống truyền đạt tới bà con.

Huyện Pác Nặm hiện còn 9 chi bộ thôn phải sinh hoạt ghép. Cấp uỷ, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ở những thôn, bản chưa có chi bộ đảng độc lập.

Thôn Cốc Nghè xã Cổ Linh, Pác Nặm hiện có 97 hộ dân người dân tộc Mông. Những năm trước đây có 28 hộ bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, số hộ còn lại chủ yếu theo đạo Tin lành được Nhà nước công nhận. Từ năm 2006, thôn chỉ kết nạp được 01 quần chúng ưu tú vào Đảng đó là anh Lý Văn Mình sinh năm 1968. Đã 17 năm qua, thôn vẫn chưa có nguồn để kết nạp thêm đảng viên mới, đảng viên phải sinh hoạt ghép cùng với chi bộ thôn Nà Pùng.

Đồng chí Nông Thanh Cát, Bí thư Đảng uỷ xã Cổ Linh cho biết: “Từng là địa bàn phức tạp về đạo trái phép, Đảng uỷ xã xác định phải nuôi, tạo nguồn, kết nạp thêm đảng viên ở thôn này, nhất là đối với những đồng bào theo đạo hợp pháp, giúp Đảng tuyên truyền, vận động bài trừ “tà đạo”. Nhưng ở thôn, thanh niên đến tuổi trưởng thành đều đi làm ăn xa, muốn kéo về địa phương cũng không có việc làm ổn định. Chỉ mong sao Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách đầu tư tạo sinh kế bền vững hơn để họ có thể quay trở lại sinh sống được trên mảnh đất quê hương”.

Đồng chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Pác Nặm dự sinh hoạt tại chi bộ thôn Khuổi Làng, xã An Thắng (Pác Nặm)

Đồng chí Ma Thị Mận, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Pác Nặm dự sinh hoạt tại chi bộ thôn Khuổi Làng, xã An Thắng (Pác Nặm)

Còn tại huyện Bạch Thông, khi trao đổi về vấn đề này, đồng chí Đinh Xuân Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Phúc trăn trở: Đã nhiều năm nay các Chi bộ Cáng Lò, Nà Muồng, Khuổi Bốc chưa kết nạp được đảng viên nào, mặc dù Đảng ủy xã luôn quan tâm chú trọng công tác phát triển Đảng vùng đồng bào này. Các chi bộ này chỉ có 3-4 đảng viên. Để củng cố tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Dao, Nùng ở đây, Đảng uỷ xã đã phân công 06 cán bộ về dự sinh hoạt cùng chi bộ cơ sở. Mỗi chi bộ 02 cán bộ xã, mục đích để cán bộ xã hỗ trợ, hướng dẫn đảng viên thôn cách tổ chức hoạt động cũng như triển khai công tác Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở những thôn bản này... Tuy nhiên do thiếu kế sinh nhai, đa số thanh niên của địa phương đều phải rời nhà đi tìm việc làm ở nơi khác, thậm chí có người đi bộ đội về, trong “tầm ngắm” của tổ chức cũng không thể ở nhà đành phải đi làm công ty ở tỉnh khác hoặc đi lao động ở nước ngoài. Ít đảng viên khiến việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khó khăn hơn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Mong rằng Đảng và Nhà nước có thêm nhiều chính sách sinh kế hơn để “giữ chân” những người trẻ với quê hương. Đây chính là một trong những điểm "mấu chốt" trong công tác phát triển đảng ở cơ sở, bởi có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định người dân mới bám trụ được ở chính quê hương làng bản của mình. Lực lượng lao động dồi dào cũng chính là nguồn để cấp ủy các cấp, nhất là cấp ủy cơ sở phát triển đảng viên thuận lợi hơn.

Đồng bộ các giải pháp

Trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đảm bảo kịp thời và đúng quy định, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác an sinh xã hội trên địa bàn, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân các dân tộc vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nội dung chỉ đạo chương trình dân tộc, chính sách dân tộc đã được đưa vào Chương trình công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Hiện nay tỉnh tập trung thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách đã từng bước phát huy hiệu quả đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo.

Tình hình sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản được duy trì và phát triển. Năm 2022, tổng số hộ nghèo năm 2022 là 20.281 hộ, chiếm tỷ lệ 24,71%; tổng số hộ cận nghèo 7.385 hộ, chiếm tỷ lệ 9%. Tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. 108/108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã, đạt tỷ lệ 100%.

Xác định phát triển đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đưa công tác phát triển đảng viên vào chỉ tiêu các nhiệm kỳ đại hội; ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 11/3/2021 về phát triển đảng viên giai đoạn 2021- 2025; Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 13/4/2022 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó chỉ đạo các cấp ủy tập trung, quan tâm phát triển Đảng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo.

Việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đảng bộ các cấp và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phát triển đảng viên được các cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm túc. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ cơ sở, tỉnh đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy thường xuyên tham dự sinh hoạt chi bộ tại các đảng bộ trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ, đồng thời giao nhiệm vụ cho các đồng chí cấp ủy viên phụ trách thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện nhiệm vụ phát triển đảng viên. Các cấp ủy cơ sở chủ động thực hiện công tác khảo sát, tạo nguồn phát triển đảng viên, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo tôn giáo.

Các cấp ủy đảng luôn quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng theo tôn giáo về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là về vấn đề dân tộc, tôn giáo; đánh giá đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo và việc tạo điều kiện để đảng viên là người theo tôn giáo tham gia hàng ngũ của Đảng. Việc kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo luôn đảm bảo chặt chẽ về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục đầy đủ, đúng quy định của Đảng.

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, chỉ đạo các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại vùng đồng bào dân tộc ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn kiểm tra, chỉ đạo các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái tại vùng đồng bào dân tộc ở thôn Nà Nguộc, xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên đối với đồng bào theo tôn giáo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo các giải pháp mà trong thời gian tới tỉnh Bắc Kạn cần tiếp tục thực hiện đồng bộ.

Thứ nhất: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo; Công văn số 1471-CV/TU ngày 17/4/2023 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng; Công văn số 814-CV/BTCTU ngày 02/8/2022 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc đôn đốc công tác phát triển đảng viên.

Thứ hai: Tăng cường phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, sản xuất; quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở nhằm củng cố niềm tin trong đồng bào có đạo.

Thứ ba: Tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các đoàn thể trong việc phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên; rà soát đối tượng quần chúng là người có đạo đã được bồi dưỡng nhận thức về Đảng để bồi dưỡng, rèn luyện và xem xét kết nạp vào Đảng. Chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên mới.

Thứ tư: Quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức, lối sống, đồng thời tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng cho cấp ủy, Bí thư chi bộ thôn để nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển đảng viên, trong đó tiếp tục quán triệt, triển khai quy định và hướng dẫn về công tác phát triển đảng viên đối với người theo tôn giáo.

Thứ năm: Từng cấp ủy xây dựng kế hoạch phát triển đảng tại địa phương, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong việc rà soát, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng để phát triển đảng viên, đặc biệt là tại vùng đồng bào dân tộc và vùng có đạo.

Thứ sáu: Phát huy tốt vai trò người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.

Thứ bảy: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí ủy viên các cấp được phân công dự sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tại nơi được phân công phụ trách và dự sinh hoạt.

Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh miền núi Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên dễ hay khó là ở cách làm. Với quyết tâm cao, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, xây dựng và phát triển các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, phát huy được vai trò, sứ mệnh của các tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương ./.

Khi mới tái lập (năm 1997), Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn có 9 đảng bộ trực thuộc với 302 tổ chức cơ sở đảng. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 11 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 455 tổ chức cơ sở đảng. Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, đến nay, toàn Đảng bộ có trên 36.800 đảng viên (chiếm hơn 11% so với dân số, thuộc diện cao của cả nước). Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Bắc Kạn đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một nền kinh tế với quy mô nhỏ, thấp nhất trong khu vực, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh Bắc Kạn đã có bước tiến quan trọng. Tổng sản phẩm GRDP năm 2022 theo giá so sánh ước đạt 8.297 tỷ đồng, tăng trưởng 6,01% so với năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 15.014 tỷ đồng; GRDP bình quân trên người ước đạt 46,3 triệu đồng/người. Thu ngân sách năm 2022 đạt 855 tỷ đồng (vượt 13% so với dự toán Trung ương giao) tăng hơn 50 lần so với năm 1997.

Tag:

File đính kèm