Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động tập trung tuyên truyền, xuyên tạc Việt Nam đàn áp các quyền dân sự, chính trị gồm: Quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí, Internet, quyền của người dân tộc thiểu số, quyền tự do hội họp, lập hội; vấn đề bắt, xử lý số đối tượng được gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”. Gần đây, chúng can thiệp ngày càng mạnh về vấn đề “xã hội dân sự” và quyền của người lao động với các phương thức, thủ đoạn như: Gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng, hạ uy tín Việt Nam, tạo cơ sở gây sức ép đối với ta.
Đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình.
Từ trước đến nay, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong công cuộc đổi mới toàn diện; luôn coi quyền con người là khát vọng, thành quả đấu tranh của loài người chống áp bức, bất công trong xã hội, là những giá trị chung của nhân loại, thể hiện nỗ lực vươn tới những giá trị tốt đẹp, vì một xã hội tôn trọng phẩm giá con người. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, triển khai thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, an sinh xã hội, đảm bảo các quyền con người; giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam; đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền về nhân quyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền con người. Trong đó, tích cực tham gia Cơ chế UPR; chủ động, kịp thời đệ trình các báo cáo quốc gia về thực hiện các Công ước quốc tế về nhân quyền; trả lời đầy đủ và đúng hạn các kháng thư của Liên hiệp quốc, thể hiện thiện chí cung cấp và minh bạch thông tin về số đối tượng mà chính giới và dư luận phương Tây quan tâm, góp phần đấu tranh, bác bỏ các thông tin, luận điệu xuyên tạc; chủ động đón các đoàn quốc tế, Đại sứ quán, báo chí nước ngoài vào tìm hiểu tình hình dân chủ, nhân quyền…
Thời gian tới, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, mâu thuẫn, xung đột, bất ổn tại các khu vực điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam, việc kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vẫn sẽ là bốn đòn đột phá, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, nhiệm kỳ 2023 – 2025.
Để triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng cần tập trung:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận số 57- KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; Quyết định số 1079/QĐ-TTg, ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; các văn bản của tỉnh về công tác thông tin đối ngoại, nhân quyền… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Ban Chỉ đạo: Ban chỉ đạo Nhân quyền, Ban chỉ đạo 35, Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại; giữa thông tin đối nội và đối ngoại; giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Nhân dân… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc, chính sách đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương… để bảo vệ, phát huy tốt hơn các quyền con người, làm cơ sở, nền tảng vững chắc cho công tác đấu tranh, tuyên truyền nhân quyền.
Ba là, nâng cao tính chủ động trong công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận về nhân quyền. Tập trung tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người theo những nhóm quyền kinh tế, văn hoá, xã hội (an sinh xã hội, giảm nghèo, người lao động), bảo đảm quyền cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số)…; phản bác thông tin sai lệch về các quyền dân sự – chính trị, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí, Internet, các bài liên quan đến bắt, giam giữ, chế độ cho phạm nhân,… (Đây là chủ đề mà các thế lực thù địch thường tập trung khai thác, vu cáo, xuyên tạc trong các báo cáo thường niên). Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, trong đó, tận dụng hiệu quả truyền thông mạng xã hội để tạo một mặt trận truyền thông thống nhất, xuyên suốt, trọng tâm, trọng điểm tạo độ lan tỏa nhanh và mạnh mẽ.
Bốn là, chú trọng công tác tập huấn, nâng cao kiến thức và kĩ năng truyền thông về quyền con người cho cán bộ các cấp và cho đội ngũ phóng viên báo chí.
Trần Thị Lý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tag:
File đính kèm