Sign In

Hiệu quả từ phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh

09:51 12/12/2023
Trong 03 năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung các nguồn lực xã hội, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Nông thôn mới Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đoàn viên Thanh niên tham gia “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 (Phong trào thi đua) với những nội dung mới, hướng vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; tiêu biểu là các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Giúp nhau làm kinh tế”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, “Xây dựng gia đình, làng khu phố văn hóa”, “Bảo vệ môi trường”, “Thi đua quyết thắng” trong quân đội; phong trào “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” trong Công an nhân dân, cuộc vận động lớn về “Tự phê bình và phê bình trong Đảng”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng người cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”…

Phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 đã huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng, thực hiện. Thông qua phong trào thi đua này, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đặt ra. Bên cạnh đó, phát hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật, nêu gương ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Những gương điển hình tiên tiến này được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của tỉnh cũng như của đơn vị để các tập thể, cá nhân học tập, noi theo. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Phong trào thi đua đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể:

Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất của người dân được nâng cao; nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao đời sống người dân. Tại các vùng quê nông thôn, điều kiện giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, điều kiện học tập, khám chữa bệnh… đã được tăng cường mạnh mẽ. Đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình cho đến điều kiện nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm và ở mức thấp (0,94%)… Sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao. Kết quả lấy ý kiến người dân đối với việc công nhận xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt trên 90%. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước giảm dần.

Kinh tế nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; công nghiệp, dịch vụ nông thôn tiếp tục phát triển và đa dạng. Kinh tế nông nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và trình độ sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn; nhiều HTX kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình; doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi từng bước được phát triển; trình độ khoa học công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp đã được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh.

Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển. Đời sống tinh thần của người dân ở nông thôn được cải thiện đáng kể. Nhiều phong trào sôi nổi về văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các lễ hội truyền thống… được duy trì và phát triển cùng với việc thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, mê tín, dị đoan. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển và hành thành mới, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác đảm bảo an ninh trật tự được giữ vững, các tệ nạn ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút được kiềm chế. Việc phòng chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới, các hoạt động tương thân tương ái được lan truyền và thực hiện rộng rãi.

Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Nhiều hoạt động trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, bảo vệ môi trường… đã được cộng đồng dân cư tích cực tổ chức thực hiện, tạo cảnh quan môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp. Các phong trào “5 không, 3 sạch”, “Thắp sáng đường quê”, “phân loại, xử lý rác thải tại nguồn bằng chế phẩm IMO”… đang dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh. Các sản phẩm OCOP được hoàn thiện, nâng cấp từ chất lượng đến hình thức mẫu mã bao bì sản phẩm từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ được mở rộng, tăng quy mô, năng lực sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu, lao động góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tích cực hướng dẫn các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP, hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng sản phẩm dự kiến sẽ tổ chức đánh giá, công nhận. Trong những tháng cuối năm 2023, dự kiến tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm OCOP được công nhận và đề nghị công nhận 02 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; công nhận thêm khoảng 50 sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao; nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên trên 140 sản phẩm. Thực hiện thí điểm đưa 3 dự án OCOP du lịch: Làng Quan họ Diềm Xá (thành phố Bắc Ninh), làng làm tranh Đông Hồ (thị xã Thuận Thành), làng nghề gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ) đi vào hoạt động, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống, lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ban hành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và các Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đến nay, chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn NTM được duy trì, từng bước nâng cao chất lượng. Đến nay, tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 8/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 09 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó  04 xã đã được công nhận lên phường.

Phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu qủa cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Kết quả của Phong trào thi đua đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn: Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định. Qua đó đã tạo cho nông thôn trong tỉnh một diện mạo văn minh, văn hóa, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao. 100% số xã, huyện trong tỉnh đã và đang triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu./.

Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy

Tag:

File đính kèm