Sign In

Gia Bình chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

20:48 18/09/2023
Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Những năm qua, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn được huyện Gia Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Người lao động được đào tạo bài bản và đáp ứng yêu cầu tại địa phương.

 

Về xã Đại Lai những ngày này cảm nhận sức sống nông thôn mới đang căng tràn, kết cấu hạ tầng nông thôn hoàn thiện, giao thương hàng hóa thông suốt, cảnh quan môi trường được chăm chút... đời sống người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt gần 65 triệu đồng/người/năm. Ông Đoàn Công Nghiệp, Bí thư Đảng uỷ xã Đại Lai cho biết, Đại Lai được như hôm nay là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương. Những năm qua, đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn luôn bám sát địa bàn, sâu sát với dân; không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, xã chú trọng rà soát lại bộ máy tổ chức, tăng cường cử cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, xã cử 6 đồng chí học Trung cấp lý luận chính trị. Về trình độ chuyên môn, xã hiện có 1 cán bộ trình độ thạc sĩ, 18 cán bộ trình độ đại học, cao đẳng; 20 đồng chí có trình độ trung cấp LLCT.
Xác định cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc, thời gian qua, Gia Bình thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) các cấp trên địa bàn. Hằng năm, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ… để cử CBCCVC diện quy hoạch tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Công tác đào tạo luôn gắn với quy hoạch cán bộ, lãnh đạo chủ chốt từ huyện đến cơ sở giai đoạn 2020-2055, 2025-2030 và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.
Từ năm 2020 đến nay, huyện tổ chức 72 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 8.600 lượt CBCCVC; trong đó, bồi dưỡng chuyên đề cho 3.858 học viên, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 4.000 học viên, bồi dưỡng lý luận chính trị 139 đồng chí; bồi dưỡng lý luận chính trị cho gần 258 đảng viên mới… Nhờ chú trọng công tác đào tạo mà trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCCVC được nâng lên rõ rệt. Đến nay, gần 100% cán bộ lãnh đạo, công chức cấp huyện có trình độ chuyên môn trên đại học và đại học; hơn 70% có trình độ LLCT cao cấp và trung cấp; 100% cán bộ công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 97% có trình độ LLCT cao cấp và trung cấp. Không chỉ có vậy, huyện còn triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 18, 19 về tinh giản biên chế. Qua đó, tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn, công tác cán bộ được bố trí hợp lý; việc nhất thể hoá một số chức danh từ thôn, khu phố đến xã, thị trấn, huyện được thực hiện nghiêm túc, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận.
Đi đôi với công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, CBCCVC, thời gian qua, công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm phát triển toàn diện, trọng tâm là xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được kiện toàn, nâng cao trình độ mọi mặt; đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đến nay, 100% trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn Quốc gia, trong đó 100% trường Tiểu học đạt chuẩn mức độ 2. Việc mở các lớp đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới cho lao động nông thôn được huyện chú trọng. Đã tổ chức được hơn 150 lớp học nghề cho hơn 4.500 lao động, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động…
Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Gia Bình chia sẻ: Xác định công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng  hàng  đầu trong  chiến lược phát  triển của Gia Bình, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trọng tâm là nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và một số ngành lĩnh vực công nghiệp của huyện. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Huyện ủy Gia Bình cũng chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành nghề mà địa phương có lợi thế. Trong đó, cần thực hiện tốt công tác khảo sát, dự báo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với đào tạo nhân lực. Từ đó, để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực huyện Gia Bình có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức và người lao động có phẩm chất và năng lực, có phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xuân Bình

Tag:

File đính kèm