Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia VCCI, UNDP.
Ngày 9-5-2024, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Bắc Ninh đạt 65,96 điểm (giảm 3,12 điểm so với năm 2022), nằm ngoài nhóm 30 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), Bắc Ninh đạt 22,53 điểm, đứng thứ hạng 21/30 trong nhóm xếp hạng top 30 tỉnh/thành phố có điểm tổng hợp cao nhất năm 2023. Qua phân tích chỉ số PCI, Bắc Ninh có 4/10 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Tính năng động; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Tuy nhiên, có 6/10 chỉ số thành phần giảm điểm; trong đó mức giảm cao nhất gồm: Đào tạo lao động; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; cạnh tranh bình đẳng…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh điều hành phần thảo luận.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh: Dù chịu nhiều yếu tố tác động gây trở ngại cho quá trình phục hồi tăng trưởng nhưng 6 tháng đầu năm kinh tế- xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vẫn hết sức nặng nề. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của cả năm 2024, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung cao đón bắt thời cơ, cơ hội mới vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tạo sự chuyển động mạnh mẽ, lan tỏa khát vọng, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tỉnh, hướng tới những mục tiêu cao hơn. Tiếp thu đầy đủ và cụ thể hóa những đề xuất, khuyến nghị của các chuyên gia, hoàn thiện thể chế, chính sách, hiện đại hóa nền hành chính theo hướng “tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại”. Triển khai có hiệu quả nỗ lực cải cách TTHC; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức các cấp; quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng KCN. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi, hỗ trợ cao nhất để thu hút đầu tư vào các KCN.
Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, tham mưu cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (PGI, PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và DTI) căn cứ kết quả các Chỉ số, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch cải thiện năm 2024 và những năm tiếp theo; đề xuất các biện pháp cụ thể, thực tiễn, hiệu lực, hiệu quả để cải thiện đồng bộ, bền vững các chỉ số.
Hành động vì một môi trường kinh doanh thuận lợi
(Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI)
Qua đánh giá, phân tích về kết quả PCI năm 2023 của Bắc Ninh cho thấy: Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức có xu hướng giảm, các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, khoảng cách về chất lượng thực thi giữa các cấp có dấu hiệu gia tăng … Tuy nhiên, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng. Một số lĩnh vực doanh nghiệp vẫn còn gặp sự phiền hà như: Hải quan, lao động, xây dựng, đăng ký doanh nghiệp đầu tư, an toàn thực phẩm, giao thông, quản lý thị trường, môi trường, bảo hiểm xã hội, PCCC, thuế…
Để hành động vì một môi trường kinh doanh thuận lợi, Bắc Ninh cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực phản ứng và chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh thuộc thẩm quyền. Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn một cách hiệu quả, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC về đất đai và tiếp tục hoàn thiện và thực hiện công khai cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phê duyệt giá đất, tạo tiền đề thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. Cần tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường. Tập trung giải quyết những khó khăn về tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu. Chú trọng đào tạo lao động có kỹ năng chuyên môn kỹ thuật cao, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động trong nước từ chủ yếu dựa vào lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân công giá rẻ sang lực lượng lao động có trình độ cao trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, thực hiện các TTHC, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí; công bố thông tin về các nguồn lực của nhà nước như: Quy hoạch đất đai, tài nguyên, khoáng sản; các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí rộng rãi với nhiều hình thức, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Dư địa cải thiện chỉ số thành phần PAPI
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công- Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP)
PAPI là hệ thống chỉ báo về hiệu quả quản trị và hành chính công của chính quyền địa phương, đồng thời chỉ ra dư địa để cải thiện mức độ hài lòng của người dân. Thông tin thực chứng từ 122 chỉ tiêu cụ thể của PAPI giúp chính quyền địa phương xác định ưu tiên cải thiện và giao trách nhiệm cụ thể tới các cấp huyện, xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chỉ số PAPI 2023 tổng hợp dao động từ 38,97 đến 46,04 điểm trên thang đo từ 10-80 điểm, Bắc Ninh đạt 45,7 điểm, thuộc về nhóm 15 tỉnh, thành phố thuộc nhóm trong khoảng cao, còn nhiều dư địa để cải thiện trong những năm tới. Trong cả 8 lĩnh vực nội dung, khoảng cách tới điểm 10 còn rất xa, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Từ phân tích các chỉ số thành phần PAPI năm 2023 của Bắc Ninh, nhận thấy còn nhiều dư địa cải thiện trong năm 2024. Cần thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ trong việc bầu chọn vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố. Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã và trực tuyến trên cổng thông tin điện tử. Áp dụng các biện pháp giảm thiểu/ngăn chặn hành vi vòi vĩnh, nhận hối lộ của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giảm thiểu tình trạng ‘vị thân’ trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ công. Tập trung đầu tư công để cải thiện điều kiện vật chất, chất lượng bệnh viện công tuyến huyện nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ y tế từ cơ sở. Cải thiện khả năng tiếp cận và độ thân thiện với người dùng của các cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công địa phương.
Ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp hướng đến sự thoải mái và hài lòng của người dân khi giao dịch
(Ông Lê Đức Kỳ, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh)
Năm 2023, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh Bắc Ninh đạt 77,40%, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả này thể hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế về chính sách, hệ thống cơ sở vật chất và con người.
Thời gian tới, Trung tâm bám sát những tiêu chí, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC, từ đó cải thiện, phấn đấu đưa Chỉ số SIPAS năm 2024 của tỉnh nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Để đạt mục tiêu này, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ về tổ chức bộ máy của Trung tâm Hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp xã; ưu tiên nguồn lực, đầu tư hệ thống cơ sở trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp hướng đến sự thoải mái và hài lòng của người dân khi đến giao dịch. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hoá TTHC; nâng cao chất lượng niêm yết, công khai TTHC trên hệ thống thông tin điện tử; xây dựng, công khai các biểu mẫu hướng dẫn điện tử kèm tờ khai mẫu chi tiết, rõ ràng. Xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan hệ thống phần mềm; nâng cấp, thay đổi các tính năng, ứng dụng đã cũ; chủ động tham khảo, học hỏi cách xây dựng, thiết kế phần mềm thông minh, hiện đại theo giao diện đơn giản, dễ nhìn, dễ hiểu, phù hợp với tất cả các đối tượng người dân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trực tuyến. Đa dạng hoá các hình thức thông tin tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số; thường xuyên nắm bắt, kịp thời xử lý phản ánh của người dân và doanh nghiệp (nhất là ở cấp huyện và cấp xã) đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước…
Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
(Ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ)
Năm 2023 chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính) của Bắc Ninh đạt 84,61/100 điểm, bị trừ 15,39/100 điểm, đứng thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022. Trong đó, 4 lĩnh vực bị trừ điểm nhiều nhất là: Cải cách chế độ công vụ chỉ đạt 4,5/6 điểm; công tác cải cách tài chính công đạt 6,71/8 điểm; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số đạt 10,75/12,5 điểm; đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội đạt 4/6,5 điểm…
Để nâng cao chỉ số PAR INDEX, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra theo từng năm một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác bình xét thi đua, khen thưởng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện CCHC của cán bộ quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; sự đồng thuận của người dân, tổ chức, xã hội về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC. Các sở, ngành cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tự rà soát theo lĩnh vực quản lý của mình để tham mưu kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn và tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả.
Uyên Anh