Sign In

Quốc hội thảo luận tại Tổ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

14:38 23/05/2024

Sáng nay 23-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13, sáng ngày 23-5.  Ảnh: Quochoi.vn

Tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13 có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Dân vận T.Ư Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn đại biểu Quốc hội 4 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh làm Tổ trưởng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2023 mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ điều hành thực hiện Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, với nỗ lực, quyết tâm rất lớn, hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu. Trong đó nổi bật nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng phục hồi, công tác điều hành bảo đảm ổn định được kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát. Các cán cân thương mại được quan tâm, cơ bản ổn định; năm 2023, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng so với các nước trên thế giới, trong bối cảnh một số nước tăng trưởng âm, thì tăng trưởng của Việt Nam là mức cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đời sống của người dân ở thành thị cũng như ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tiếp tục được quan tâm. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động các nguồn để xây dựng được trên 5.000 căn nhà cho đồng bào nghèo ở Điện Biên là một việc làm hết sức cụ thể, thiết thực.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trước tình hình khó khăn chung, Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục dành sự quan tâm, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua chăm lo cho người nghèo để ổn định cuộc sống của Nhân dân thông qua những việc làm cụ thể, như giải quyết việc làm, lao động, nhất là đối với nông thôn; quan tâm giải quyết vấn đề thất nghiệp ở thành thị…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá rõ kinh tế tư nhân vừa qua phát triển như vậy đã trúng và đúng chưa? Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào để chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là với những địa phương có công nghiệp phát triển lớn hiện nay, như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các Luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công… cũng như việc vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay. Quan tâm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta.

Công tác đối ngoại trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 được tăng cường, nhiều đoàn khách quốc tế lớn đến Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng đi thăm, làm việc tại các nước trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại, quốc phòng, an ninh theo đường lối đối ngoại của Đảng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh vùng biển, vùng trời của Tổ quốc được giữ vững. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến hết sức tích cực. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo báo cáo của Chính phủ, thì năm 2023 cũng có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số vấn đề còn băn khoăn, đó là kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%; thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%. Do đó, cần đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới; đồng thời quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng.

ĐBQH Nguyễn Như So tham gia thảo luận ở Tổ.  Ảnh: Quochoi.vn

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, để có những “kịch bản” chỉ đạo, điều hành một cách phù hợp, linh hoạt. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân.

Các ĐBQH tham gia thảo luận làm rõ những kết quả đạt được về phát triển KT-XH, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bình đẳng giới; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu công tác trong thời gian tới.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) kiến nghị một số giải pháp từ góc nhìn thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH năm 2024 - năm bản lề cần sự đột phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của Chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm. Bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, Chính phủ cần tập trung giải quyết triệt để bài toán thiếu vốn và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay; cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.

Vân Giang

Tag:

File đính kèm