Sign In

Bước cụ thể hoá thực hiện Quy định 96-QĐ/TW tại cơ quan quyền lực nhà nước

20:14 01/06/2023
Ngày 2/2/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Các tổ chức Đảng, các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị tích cực triển khai thực hiện Quy định 96-QĐ/TW.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đang xem xét Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Đây là bước cụ thể hóa thực hiện Quy định 96-QĐ/TW tại cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Trong phiên làm việc ngày 30/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nghị quyết này dự kiến ban hành theo quy trình tại 1 kỳ họp; khi được ban hành sẽ thay thế Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ để đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết như trên xuất phát từ việc thực hiện Quy định 96-QĐ/TW và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII. Thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người trên tổng số 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả không có trường hợp nào có hơn 50% tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. HĐND các cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 99.836 người, hầu hết đều đạt hơn 50% số phiếu “tín nhiệm cao”; tỉ lệ người có số phiếu “tín nhiệm thấp” ở các cấp, cụ thể như sau: Cấp tỉnh, có 2/1.750 người, chiếm tỉ lệ 0,11%; ở cấp huyện 25/13.852 người, chiếm tỉ lệ 0,18%; ở cấp xã 186/84.234 người, chiếm tỉ lệ 0,22%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị quyết 85/2014/QH13 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Nghị quyết chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước; Phiếu lấy phiếu tín nhiệm và phiếu bỏ phiếu tín nhiệm còn sử dụng cùng một tên (Phiếu tín nhiệm) nên dễ dẫn đến nhầm lẫn; Hướng dẫn việc triển khai hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa kịp thời nên khi triển khai còn lúng túng; Biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên một số báo cáo còn sơ sài, chưa nêu rõ được những tồn tại, hạn chế của bản thân và phương hướng khắc phục trong thời gian tới, gây khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.  

Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình có sửa đổi, bổ sung về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể là bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội cho phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội và Quy định 96-QĐ/TW, điều chỉnh một số chức danh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019. Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm; với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm.

Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, Nghị quyết 85/2014/QH13 chỉ nêu 2 tiêu chí gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Dự thảo Nghị quyết lần này đã quy định chi tiết nội dung của các tiêu chí đánh giá phù hợp và bổ sung nội dung trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm trong triển khai nghị quyết, kết luận về công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND, các Ban của HĐND; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tôn trọng, lắng nghe và nghiên cứu để giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả thực hiện cam kết và lời hứa (nếu có). Dự thảo bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh  bạch và đúng pháp luật.


Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.  Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm. Người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Dự thảo Nghị quyết này sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 9/6; biểu quyết thông qua vào ngày 23/6; khi có hiệu lực sẽ thay thế Nghị quyết 85/2014/QH13. Đây sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương thực hiện việc đánh giá cán bộ. Qua đó, cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.


Vân Giang

Tag:

File đính kèm