Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đại hội XIII) đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. So với Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng không chỉ được đề cập trong Báo cáo chính trị, mà còn có Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng được thể hiện trong chủ đề, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đề cập đến điểm mới trong mục tiêu xây dựng Đảng.
Nếu như mục tiêu xây dựng Đảng, Đại hội XII (2016) xác định: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII (2021) xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện…”(1). Còn Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng chỉ rõ phương hướng: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng…”(2). Như vậy, điểm mới của Đại hội XIII về mục tiêu xây dựng Đảng không chỉ là nâng cao “năng lực lãnh đạo” mà cả “năng lực cầm quyền”.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng là tập trung phát triển toàn diện các yếu tố cần thiết bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng, gồm: năng lực định hướng đường lối, chiến lược; năng lực đề ra chủ trương, chính sách; năng lực tổ chức và chỉ đạo thực hiện; năng lực kiểm tra, giám sát; năng lực tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận.
Năng lực cầm quyền của Đảng, chính là năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đã được hiến định tại Điều 4, Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Mục đích của sự lãnh đạo đó là nhằm xây dựng, phát triển đất nước theo con đường, mục tiêu mà Đảng đã xác định. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gắn kết với Nhân dân, phát huy sức mạnh và huy động được sự ủng hộ và góp sức của đông đảo quần chúng nhân dân.
Năng lực cầm quyền của Đảng có thể khái quát về 6 nội dung chính, cụ thể như sau:
1) Khả năng đề ra chiến lược cách mạng
Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ: “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”(3). Đây là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp.
Với vai trò cầm quyền, Đảng cần có tầm nhìn và hoạch định chiến lược phát triển đất nước ở từng thời kỳ, giai đoạn, như những tầng nấc, bước trung gian đi tới được đích cuối cùng: Chủ nghĩa cộng sản. Đó là Cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược trong các ngành, lĩnh vực một cách bài bản, khoa học và có tính khả thi cao. Từ sau Đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta đã thể hiện vai trò cầm quyền bằng việc đề ra Cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011. Qua mỗi kỳ Đại hội thì mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam lại càng được hoàn thiện, được nhận thức sâu sắc hơn, được làm rõ hơn. Đại hội XIII bổ sung thêm một mối quan hệ cần được nhận thức, giải quyết thấu đáo, đó là “thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Đồng thời, Đại hội XIII đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 – 2030.
2) Khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết
Nhiều năm qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu, chưa được khắc phục; năng lực cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế. Do đó cần nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII, trong nội dung “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện”(4).
Với thể chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thì Đảng cần thể hiện vai trò cầm quyền thông qua việc lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó, có cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện trong toàn xã hội. Đảng không bao biện, làm thay Nhà nước, mà lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng.
3) Khả năng lãnh đạo sử dụng quyền lực của Nhà nước và phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đã đề ra
Vấn đề này có tính quyết định, là thước đo thực tiễn năng lực cầm quyền của Đảng. Để thực hiện được điều này, Đảng ta đề ra giải pháp: “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo và những bất hợp lý trong tổ chức của Đảng và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm”(5). Với trách nhiệm của Đảng cầm quyền, vai trò, ý nghĩa, hiệu quả hoạt động của Đảng ta chỉ có thể thông qua Nhà nước pháp quyền và hệ thống Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức, đoàn thể nhân dân. Đảng ta cầm quyền đồng nghĩa với Đảng phải chịu trách nhiệm về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội.
4) Khả năng thực hiện tốt công tác cán bộ
Đảng thực hiện tốt công tác cán bộ thông qua lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục và quản lý cán bộ nhằm đảm bảo phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. “Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược”(6). Muôn việc thành công hay thất bại do cán bộ tốt hay kém. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng do cán bộ xây dựng, hoạch định. Tính đúng đắn của nó phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực của cán bộ. Đường lối được hoạch định có đúng đến đâu mà đội ngũ cán bộ các cấp nhận thức không thấu đáo, thậm chí sai, triển khai lệch lạc thì cũng không có ý nghĩa gì. Muốn vậy cần có đội ngũ cán bộ 6 dám. Về yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, Đại hội XIII xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật…”(7). Đại hội XIII nhấn mạnh đến xác định trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiên minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”(8).
5) Khả năng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn không ngừng hoàn thiện đường lối lãnh đạo
Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát của Đảng đã được tăng cường, đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới. Do đó, Đại hội XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát… trong đó, tập trung vào các cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng”(9).
Đảng ta chỉ rõ: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách… Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(10). “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(11).
6) Khả năng gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc
Năng lực cầm quyền của Đảng còn được thể hiện ở việc Đảng cần là hạt nhân của khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân và huy động được sự ủng hộ, chung sức của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Với nỗ lực, quyết tâm chính trị, với việc phát huy thế và lực đã có, Đảng ta chắc chắn làm tròn trọng trách mà lịch sử dân tộc giao phó: Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lãnh đạo toàn dân đạt được mục tiêu tổng quát và cụ thể mà Đại hội XIII đã đề ra.
--------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.111
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.229
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.180
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.180-181
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.185
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.181
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.187
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.187-188
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.188-189
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.182
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.234-235
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, tập 1,2.
2. Hội đồng lý luận trung ương (2021): Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN.
3. https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/gop-phan-nang-cao-nang-luc-cam-quyen-cua-dang-cong-san-viet-nam-600400.html
Ths. Nguyễn Bình Minh
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu