Sign In

Phản bác một số quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật giai đoạn hiện nay

15:24 09/08/2023

Văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hoá thẩm mỹ, là một lĩnh vực phong phú, nhạy cảm và  đặc biệt tinh tế của nền văn hoá. Đồng thời, văn học nghệ thuật cũng là nhu cầu thiết yếu hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ của con người và là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần và sự phát triển toàn diện của xã hội…

Bởi những thuộc tính hết sức đặt biệt đó, mà ngay từ xa xưa, con người đã xem văn học nghệ thuật là một trong những tiêu chí để đo giá trị nền văn hoá của một quốc gia, lãnh thổ hay một dân tộc. Văn học nghệ thuật đã và đang được xem là “món ăn để nuôi dưỡng tâm hồn”, “một liều thuốc để chữa lành những tổn thương, khuyết tật” trong tư tưởng, tình cảm mỗi con người, là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của xã hội…


Do sự đối nghịch về hệ tư tưởng và âm mưu thực hiện “chiến lược diễn biến hoà bình”, chống phá chế độ, thời gian qua, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị đến quốc phòng, an ninh…; từ nền tảng tư tưởng đến các hoạt động thực tiễn… Trong đó, lĩnh vực văn học nghệ thuật luôn luôn là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch “ươm, gieo những mầm móng phá hoại”.

Về phương diện lý luận, các thế lực thù địch tập trung phê phán, xuyên tạc lý luận văn học, nghệ thuật Marxist tân tiến; đề cao, cổ suý khuynh hướng nghiên cứu, sáng tạo văn học nghệ thuật tuyệt đối hoá hình thức, xem nhẹ nội dung tư tưởng; đòi “văn học nghệ thuật phải độc lập với chính trị”, cổ vũ tư tưởng văn nghệ sỹ tự thân, bá quyền trong sáng tạo cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật; phủ nhận xuyên tạc giá trị văn học nghệ thuật cách mạng, cổ suý những tác phẩm xuyên tạc sự thật lịch sử dân tộc, thổi phồng và bôi đen hiện thực cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; tán dương những tác phẩm văn học nghệ thuật truyền bá lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, đề cao giá trị vật chất, cái tôi cực đoan…

Trên phương diện thực tế, do ảnh hưởng bởi những luồng tư tưởng sai trái, thù địch, một số văn nghệ sỹ, thậm chí là những người có uy tín, từng công tác, đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong quản lý văn học nghệ thuật, tổ chức vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” với danh nghĩa chấn hưng nền văn học nghệ thuật nhưng thực chất để thực hiện các mưu đồ chính trị. Bên cạnh đó, một số văn nghệ sỹ tận dụng triệt để những tiện ích của Internet và mạng xã hội để công bố, lưu truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, có nội dung sai trái, thù địch, nhằm bóp méo quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Vu cáo Việt Nam trấn áp văn nghệ sỹ đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo. Tổ chức nhiều hoạt động như: trao “giải thưởng”, “tôn vinh tác giả”, “vận động sáng tác”… các tác phẩm văn học nghệ thuật có tư tưởng lệch lạc nhằm thực hiện âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Các luận điệu xuyên tạc, hành động chống phá nêu trên là nhằm tạo ra “mũi đột phá”, để “thọc sâu” vào ý thức hệ của giai cấp, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, mất phương hướng về tư tưởng chính trị, tạo ra “khoảng trống” cần thiết để dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào thay thế, xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa… Nhưng cho dù bằng phương thức, thủ đoạn nào thì xét cho cùng đều không nằm ngoài âm mưu thủ đoạn về chính trị. Một điều hết sức mâu thuẫn mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra ở đây là: các thế lực thù địch dù luôn cố sức kêu gào, đòi “tách chính trị ra khỏi văn học nghệ thuật”, “hãy để cho văn học nghệ thuật trở về nguyên bản thuần tuý vốn có của nó”… nhưng thực tế là họ đang làm ngược lại điều đó, mượn văn học nghệ thuật để thực hiện các âm mưu chính trị bất minh của mình, lấy văn học nghệ thuật để làm đòn bẩy chống phá chế độ.

Văn học nghệ thuật là một phần của chính trị, không thể “tách rời” hay “đứng ngoài” chính trị. Theo các nhà nghiên cứu, chính trị tồn tại trong xã hội được biểu hiện dưới 02 dạng thức đó là “học thuyết chính trị” và “hệ thống chính trị”. Trong đó, “học thuyết chính trị” giữ vai trò chủ đạo. Nó định hướng, chi phối, tác động tới mọi lĩnh vực, mọi hoạt động từ hoạt động vật chất đến hoạt động tinh thần của xã hội, trong đó bao gồm cả văn học nghệ thuật. Bởi vì chính trị có vai trò định hướng, chi phối, tác động trực tiếp đến văn học nghệ thuật cho nên việc tách chính trị ra khỏi văn học nghệ thuật cũng giống như việc người ta tách bộ não ra khỏi cơ thể con người. Văn học nghệ thuật mà không có sự định hướng của chính trị sẽ chỉ là những tác phẩm lạc loài, vô nghĩa, dễ dàng chết yểu, dễ bị lãng quên mà thôi.

Ở Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn học nghệ thuật cách mạng phát triển nhanh chóng và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, văn học nghệ thuật cách mạng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn được nhân loại và thế giới ghi nhận. Nhiều tác phẩm có tầm cao về tư tưởng, chứa đựng giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật sâu sắc, góp phần hướng con người đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, đồng thời thể hiện được tiếng lòng và khát vọng của dân tộc, cổ vũ toàn dân ra sức xây dựng đất nước, quê hương, xây dựng xã hội ngày văn minh, tốt đẹp... Tất cả những đóng góp to lớn đó chính là những minh chứng hùng hồn để phản bác lại luận điệu cho rằng: Đảng và Nhà nước ta áp đặt tư tưởng, trấn áp văn nghệ sỹ đấu tranh cho tự do, bình đẳng và sự phát triển trọn vẹn của văn học nghệ thuật…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “giá trị của những tác phẩm văn học nghệ thuật chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục cho con cháu chúng ta đời sau”. Thực hiện lời dạy đó của Người, văn học nghệ thuật Việt Nam đang từng bước có những bước chuyển mình quan trọng để phù hợp với thời đại mới, tiêu chuẩn mới và xu hướng mới, để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò sứ mệnh của mình trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiến bộ, xứng đáng là một phần tinh tuý trong văn hoá dân tộc.

Bùi Vũ Quang Tấn
 

Tag:

File đính kèm