Sign In

Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh tình trạng cán bộ làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm

15:03 25/10/2023

Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến và nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức vẫn còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; một số vụ việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện nhưng không dám quyết định mà tìm lý do để đề nghị, xin ý kiến cấp trên hoặc chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, chậm báo cáo, báo cáo không đầy đủ và không nêu rõ chính kiến khi tham mưu, đề xuất; một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn yếu, có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực chưa quyết liệt, kịp thời, hiệu quả; một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng trong công tác tham mưu, giải quyết các vướng mắc về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm so với luật định...

Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Ảnh: Gia Khang


Để đánh giá đúng thực trạng, nhận diện được những biểu hiện, hành vi né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ hậu quả, tác hại và nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, phải xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo định kỳ hàng năm thực hiện theo các văn bản của Trung ương. Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến hoạt động thanh tra và các luật chuyên ngành để vừa phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho cán bộ, công chức tham gia đóng góp các dự thảo luật và các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ hai, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng và đảng viên; chủ động nắm tình hình, kịp thời xác minh, làm rõ nội dung các đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thông tin dư luận liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương; các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy liên quan đến cán bộ, đảng viên…

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng công tác phù hợp với từng chức danh và nhu cầu thực tiễn. Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực có chất lượng, với phương châm “sâu một việc, biết nhiều việc”; lựa chọn những nhân sự có năng lực, hội tụ đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn đội ngũ lãnh đạo, quản lý kế thừa; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. 

Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng của địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, hoạt động kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về chế tài xử lý đối với cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm theo quy định…

Kiên quyết khắc phục tình trạng tham mưu trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, rút ngắn thời gian xử lý công việc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Võ Doãn Kiên
 

Tag:

File đính kèm