Sign In

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và quá trình tan rã hệ thống thuộc địa của Pháp

10:57 05/04/2024
Pháp là một trong những quốc gia được hình thành sớm nhất ở Châu Âu. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nước Pháp đã dần dần trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, có ảnh hưởng chính trị đối với nhiều khu vực trên thế giới. Quá trình phát kiến địa lý trong thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII của các nước Châu Âu trong đó có nước Pháp cũng chính là quá trình hình thành nên hệ thống các thuộc địa. Tìm hiểu về quá trình hình thành thuộc địa của Pháp cũng như nguyên nhân dẫn sự tan rã hệ thống thuộc địa đó có ý nghĩa lịch sử to lớn, khẳng định tính quốc tế và tầm ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói chung và thuộc địa Pháp nói riêng.

1. Quá trình hình thành hệ thống thuộc địa của Pháp 

Hệ thống thuộc địa của Pháp đã được hình thành từ rất sớm, bắt đầu từ thế kỷ XVI trong quá trình đi tìm kiếm những vùng đất mới và nỗ lực mở rộng buôn bán hàng hóa, người Pháp đã lần lượt chiếm được những vùng đất trù phú, giàu tài nguyên ở Châu Mỹ. Pháp bắt đầu thiết lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ, Caribe và Ấn Độ vào thế kỷ XVII. Tuy nhiên, đến năm 1815, sau thất bại liên tiếp trong những cuộc chiến tranh như: Chiến tranh Kế vị Áo (1740–1748), Chiến tranh Bảy năm (1756–1763), Cách mạng Mỹ (1775–1783), Chiến tranh Cách mạng Pháp (1793–1802) và Chiến tranh Napoléon (1803 –1815), các vùng thuộc địa của Pháp ở những khu vực này lần lượt bị mất. Các thuộc địa ở Bắc Mỹ đã bị mất vào tay Anh và Tây Ban Nha, ngoại trừ vùng Quebéc. Năm 1800, Tây Ban Nha trả lại Louisiana (Tân Pháp) cho Pháp, tuy nhiên vùng lãnh thổ này sau đó Pháp đã ngây thơ bán cho Hoa Kỳ vào năm 1803. 

Từ năm 1830, sau khi củng cố lại tiềm lực kinh tế và quân sự, thực dân Pháp bắt đầu một cuộc xâm chiếm thuộc địa lần thứ hai. Pháp chọn Bắc Phi là nơi mở màn cho tiến trình xâm lược thuộc địa, mở đầu là việc Pháp xâm lược Algeria (1830 – 1962), một quốc gia rộng lớn nhất Châu Phi và có vị trí chiến lược đối với toàn bộ châu lục đen. Sau khi thôn tính được Algeria, năm 1881, từ Algeria đế quốc thực dân Pháp triển khai 35.000 quân xâm chiếm quốc gia láng giềng Tunisia và thiết lập chế độ bảo hộ ở quốc gia này suốt 75 năm (1881 – 1956);  Năm 1912, sau 11 năm đánh chiếm, Pháp thiết lập chế độ bảo hộ ở Marốc suốt gần nửa thế kỷ 44 (1912 – 1956). Đầu thế kỷ XX, một phần lớn lãnh thổ các nước Bắc Phi nằm dưới sự bảo hộ của đế quốc Pháp.

Ở Đông Phi, vào năm 1889, Pháp lập một tiền trạm tại Bangui, thành lập vùng thuộc địa giữa hai sông Oubangui và Chari vào năm 1905 và sáp nhập vào lãnh thổ Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp năm 1911(1). Vùng lãnh thổ này trở thành Cộng hòa Trung Phi với tư cách là nước tự trị thuộc Cộng đồng nước Pháp năm 1958. Năm 1900, Pháp mở rộng thuộc địa dẫn đến việc hình thành "Lãnh thổ quân sự quốc gia và xứ bảo hộ Tchad". Đến năm 1920, Pháp giành được quyền kiểm soát toàn bộ thuộc địa và hợp nhất nó vào Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp. 

Ở Châu Á, miếng mồi béo bở nhất mà đế quốc Pháp nhắm đến chính là vùng Đông Dương, đây là vùng có vị trí quan trọng đối với chính sách bành trướng của Pháp ở châu Á. Đông Dương là vùng giàu hương liệu, nguyên liệu, nhân công, là vùng có địa chính trị quan trọng bậc nhất, là địa bàn nếu xác lập được vị trí thống trị có thể mở rộng ảnh hưởng ra toàn Đông Nam Á. Sau những cuộc thám hiểm của những nhà buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và các giáo sĩ Thiên chúa giáo, Pháp xem xét kĩ lưỡng mọi mặt tình hình khu vực này. Đến giữa thế kỷ XIX, Pháp xúc tiến các hoạt động quân sự xâm chiếm các nước thuộc khu vực Đông Dương. Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng mở đầu cho tiến trình xâm lược Việt Nam. Sau 35 năm (1858 – 1883) miệt mài dùng vũ lực đánh chiếm, Pháp cơ bản hoàn tất công cuộc chinh phục Việt Nam bằng việc buộc triều đình Nhà Nguyễn phải ký Hiệp ước đầu hàng Hác măng (25/8/1883), chấp nhận sự đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Tại Lào và Camphuchia, Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự, ngoại giao, vừa phô trương, thị uy bằng sức mạnh quân sự, vừa quyến rũ, mua chuộc bằng lợi ích kinh tế để tìm cách thiết lập chế độ cai trị. Trước sức ép to lớn của Pháp, số phận lịch sử của ba nước Đông Dương cuối cùng cũng được định đoạt bằng các hiệp ước xâm lược. Năm 1887, Pháp lập Liên bang Đông Dương, năm 1893, sáp nhập Lào và Campuchia vào thiết chế liên bang, hoàn thành xâm chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú ở khu vực Đông Nam Á. 

Ở Trung Quốc, Pháp hăng hái, nhiệt thành cùng với Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mỹ, Nhật xâu xé quốc gia rộng lớn nhất Châu Á để mở rộng thị trường và khai thác tài nguyên. Cái bánh ngọt Trung Quốc cuối cùng Pháp cũng được một miếng ngon, vùng Quảng Châu Loan, một phần Thượng Hải, Hán Khẩu và Quảng Đông được triều đình Nhà Thanh nhượng địa cho Pháp.

Ngoài những vùng thuộc địa lớn và có ảnh hưởng nhất định, Pháp còn nhiều vùng thuộc địa nhỏ, nhiều đảo, quần đảo nằm ở khắp nơi ởThái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương. Đến đầu thế kỷ XX, thuộc địa của Pháp đã trở thành một hệ thống trải dài từ Châu Phi đến Châu Á, Pháp chiếm giữ nhiều vùng đất quan trọng cả về chính trị và kinh tế. Tổng diện tích của toàn đế quốc Pháp đạt 13,500,000 km² vào năm 1920, với dân số 135 triệu người, diện tích các nước thuộc địa lớn gấp 8 lần, dân số lớn gấp hơn 3 lần chính quốc Pháp. Thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác tài nguyên, bóc lột nhân dân ở các nước thuộc địa để phục vụ cho mưu cầu chính trị của một nước Pháp.

2. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và quá trình tan rã hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp

Ngày 07/5/1954, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại hoàn toàn đoàn quân xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ, đè bẹp ý chí xâm lược của quân đội nhà nghề Pháp. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng một đòn chí mạng không chỉ cho quân Pháp ở Đông Dương mà còn tạo sự hoang mang tột cùng của quân Pháp ở khắp các quốc gia thuộc địa trên toàn thế giới. Với thắng lợi Điện Biên Phủ, Đảng ta khẳng định “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đòn mạnh đánh vào đầu bọn thực dân hiếu chiến Pháp và can thiệp Mỹ hiện đang âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương.”(2)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, vấn đề dân tộc ở các nước thuộc địa được đặt ra, thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa của Pháp. Một loạt các quốc gia Châu Phi là thuộc địa pháp đã giành được độc lập(3) và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. (Ảnh: hochiminh.vn)

Năm 1956, sau cuộc chiến đấu trường kỳ, quyết liệt và gian khổ, Maroc buộc Pháp phải trao trả và công nhận nền độc lập. Maroc là một trong những quốc gia Châu Phi đầu tiên giành được độc lập. Nhân sự kiện Maroc giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng và thể hiện tinh thần đoàn kết với nhân dân Maroc “Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt mừng anh em Ma-rốc đã giành được độc lập, và thành tâm chúc anh em xây dựng một nước Ma-rốc hòa bình, dân chủ và giàu mạnh. Mừng đại gia đình các dân tộc độc lập đã phát triển thêm một thành viên mới.”(4) Tiếp theo tuyên bố độc lập của Maroc, Tunisia cũng tuyên bố độc lập vào ngày 20/3/1956, chấm dứt sự đô hộ suốt 75 năm của đế quốc thực dân Pháp. 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Việt Nam cổ vũ tinh thần nhân dân Algerie, một thuộc địa lâu đời nhất của Pháp đã nổi dậy chống lại sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp, bất chấp việc Thủ tướng Pháp Charles de Gaulle tái lập Liên hiệp Pháp rồi đổi tên thành Cộng đồng Pháp (Communauté française) và đưa ra những nhân nhượng với các thuộc địa nhằm giữ gìn quyền lợi của Pháp, cuộc khủng hoảng giữa chính quốc với thuộc địa vẫn không thể hòa giải. Algerie giành độc lập vào ngày 05/7/1962 và hơn hai tháng sau đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (28/10/1962). Ngay khi giành độc lập, Algerie quyết định làm một đại lộ dài 3.000m trong trung tâm ở thủ đô An – gie mang tên Hồ Chí Minh (Avenue du Président Ho Chi Minh) để tỏ rõ niềm tin và sự ngưỡng vọng đối với Việt Nam. Vấn đề dân tộc độc lập vẫn thôi thúc nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh và giành được nhiều thắng lợi lớn. 

Ngày 01/01/1960, dưới sự lãnh đạo của Ruben Um Nyobé, nhân dân Cameroon đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của Pháp, thành lập chính quyền cách mạng, mở đầu Năm châu Phi. Gần bốn tháng sau đó, Togo giành được độc lập; ngày 20 tháng 6, Senegal và Sudan giành được độc lập; cũng trong tháng 6, người dân Madagascar tiến hành khởi kiện giành được độc lập. Ngày 30/6/1960, Congo tuyên bố độc lập, thành lập Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nhân dân Châu Phi được cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã vùng lên rất mạnh mẽ, không chỉ nhân dân các thuộc địa của Pháp mà nhân dân ở các nước là thuộc địa của Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng vùng lên giành lấy chính quyền. Tháng 7 năm 1960, hai xứ Somalia thuộc Italy và Somalia thuộc Anh đều tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Somalia. Tháng 8 năm 1960, có 8 nước giành được độc lập: Niger, Dahomey, Tchad, Bờ Biển Ngà, Oubangui-Chari, Congo, Gabon, Thượng Volta. Phong trào giải phóng dân tộc ở Nigeria phát triển mạnh mẽ, ngày 01/10/1960, thực dân Anh buộc phải tuyên bố trao trả độc lập cho Nigeria.

Ở Ăng-go-la, một thuộc địa của Bồ Đào Nha, nhân dân đã đấu tranh kiên cường và tuyên bố độc lập ngày 11/11/1975. Một ngày sau khi giành được độc lập, Ăng-go-la thiết lập ngay quan hệ ngoại giao với Việt Nam (12/11/1975). Nhân dân Ăng-go-la đã lấy tên Hồ Chí Minh để đặt tên cho một đại lộ to, đẹp nhất Thủ đô Lu – an – da, đại lộ Avenida Ho Chi Minh để ghi nhớ công lao của một trong những người anh hùng tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thuộc địa.

Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 – 1954) mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mạnh mẽ của nhân dân các nước Châu Phi. Phong trào giải phóng dân tộc nổ ra trên lục địa đen như một làn sóng lớn, nhấn chìm và làm tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Nhân dân khắp các nước Châu Phi tin tưởng Việt Nam, ở thủ đô nhiều nước đã xây dựng công viên Hồ Chí Minh, dựng tượng Bác, mở đại lộ, trường học lớn mang tên Bác. Hình ảnh một nước Việt Nam anh dũng, kiên cường đi đầu trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ người dân Châu Phi, đây đã và sẽ trở thành nguồn sức mạnh văn hóa để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các nước Châu Phi vì một mục tiêu phát triển thịnh vượng chung của các nước.

-----------------------------------------

1. Pháp lập Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp vào năm 1911 như một kiểu nhà nước liên bang. Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp gồm 04 vùng lãnh thổ là thuộc địa của Pháp: Congo thuộc Pháp; Gabon thuộc Pháp; Oubangui và Chad thuộc Pháp; Cameroon thuộc Pháp.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, Tập 15, tr.96
3. 40 quốc gia Châu Phi giành được độc lập trong giai đoạn 1950 – 1960, trong đó có 32 nước giành được độc lập là thuộc địa của thực dân Pháp.
4. Báo Nhân Dân, số 748, ngày 21-3-1956, tr.2

TS. Hồ Viết Hùng
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
 

Tag:

File đính kèm