Sign In

Tiến công và nổi dậy giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu xuân 1975

22:35 26/04/2024
Bà Rịa - Vũng Tàu án ngữ đường biển duy nhất vào Sài Gòn, hơn 80% hàng viện trợ của Mỹ được chuyển qua cửa ngõ này để nuôi dưỡng chế độ tay sai và bộ máy chiến tranh của chúng. Bà Rịa - Vũng Tàu được Mỹ - ngụy xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn, một trung tâm huấn luyện và hậu cứ, dịch vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược. Tỉnh lỵ Bà Rịa án ngữ 3 tuyến giao thông quan trọng: quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51) con đường độc đạo từ Vũng Tàu qua Bà Rịa, nối với quốc lộ 1, đoạn Sài Gòn - Biên Hoà; liên tỉnh lộ 23 (nay là Quốc lộ 55) từ Bà Rịa đi Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; liên tỉnh lộ 2 (nay là quốc lộ 56) nối Bà Rịa với thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn - Biên Hoà. Bà Rịa - Vũng Tàu là một căn cứ địa cách mạng quan trọng, là cửa ngõ tiếp tế bằng đường biển vào miền Đông Nam bộ, một hành lang chiến lược nối chiến khu Đ với vùng cực Nam Trung Bộ, tạo địa bàn đứng chân cho lực lượng vũ trang, làm bàn đạp tiến công vào sào huyệt kẻ thù.

1. Bà Rịa – Vũng Tàu trước ngày giải phóng 

Với vị thế cửa ngõ của Sài Gòn thủ phủ của chế độ Mỹ - ngụy, Bà Rịa – Vũng Tàu là trọng điểm phòng thủ của đế quốc Mỹ và tay sai, được xem là "chân thang" trong chiến tranh. Mỗi bước "leo thang" cũng như "xuống thang", địch đều gia tăng mức độ ác liệt nhất. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi tranh trấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng với đế quốc Mỹ và chư hầu, tay sai. Quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã phải đương đầu với những đơn vị thiện chiến của quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu Tân Tây Lan, Thái Lan, Hàn Quốc và đặc biệt là quân đội Hoàng Gia Úc, một đạo quân dày dạn kinh nghiệm chống chiến tranh du kích, được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh rất hiện đại, với nhiều chiến thuật chiến tranh lần đầu tiên đưa ra ứng dụng tại chiến trường Việt Nam.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một căn cứ địa cách mạng quan trọng, là cửa ngõ tiếp tế bằng đường biển vào miền Đông Nam bộ, một hành lang chiến lược nối chiến khu Đ với vùng cực Nam Trung Bộ, tạo địa bàn đứng chân cho lực lượng vũ trang, làm bàn đạp tiến công vào sào huyệt kẻ thù. 

Phương án giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu được hoạch định vào đầu tháng 4/1975, với lực lượng của Sư đoàn 6 - bộ đội chủ lực Quân khu 7 và Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương của tỉnh cùng với lực lượng cách mạng tại chỗ, phối hợp nổi dậy theo phương châm “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã".

Từ ngày 9/4/1975 đến 21/4/1975, các lực lượng vũ trang Bà Rịa và Long Khánh đã đồng loạt tiến công nhiều vị trí ngoại vi, cùng với Quân đoàn 4 và sư đoàn 6 bộ đội chủ lực quân khu giải phóng Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ được mệnh danh là “Cánh cửa thép" bảo vệ cửa ngõ phía Đông Bắc vào Sài Gòn. Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Cùng thời điểm này, Sư đoàn Sao Vàng (Sư đoàn 3) của Quân khu V trong đội hình Cánh quân Duyên hải được lệnh hành quân cấp tốc vào giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu, chặn con đường rút chạy ra biển của địch.

2. Tiến công Chi khu Đức Thạnh, giải phóng quận lỵ đầu tiên trong tỉnh

Ngày 23/4/1975, đơn vị đầu tiên của Sư đoàn Sao Vàng đã rời Phan Rang vào tập kết tại rừng cao su Cẩm Mỹ (vùng căn cứ của tỉnh). Cùng tham gia tác chiến với Sư đoàn Sao Vàng có Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương tỉnh và các đơn vị bộ đội địa phương huyện Châu Đức, huyện Long Đất, huyện Xuyên Mộc và thị xã Vũng Tàu, mỗi đơn vị tương đương cấp đại đội (thiếu). Toàn bộ lực lượng của tỉnh tương đương 2 tiểu đoàn.

Lực lượng phòng thủ của địch tại tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) gồm Tiểu khu Phước Tuy và 5 chi khu: Đức Thạnh, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, Long Lễ; 2 yếu khu Phú Mỹ và Vũng Tàu. Địch tập trung tại đây gồm Liên đoàn Bảo an 938 và 3 Tiểu đoàn độc lập phân bổ trên các quận lỵ và chi khu. Riêng tiểu khu Bà Rịa, quân ngụy có 7 Bộ chỉ huy: Bộ chỉ huy tiểu khu, Bộ chỉ huy cảnh sát quốc gia, Bộ chỉ huy thám sát, Bộ chỉ huy yểm trợ tiếp viện, Bộ chỉ huy Liên đoàn Bảo an 938, Ty an ninh quân đội và Khu cố vấn Mỹ. Ngoài ra còn lực lượng học viên tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp (Bà Rịa). Ở thành phố Vũng Tàu có Tiểu đoàn 6 dù, Tiểu đoàn 4 Thuỷ quân lục chiến, Sân bay Vũng Tàu, Bộ chỉ huy Vùng 3 Duyên hải và học viên tại Trung tâm huấn luyện Truyền tin, Trung tâm huấn luyện Cảnh sát Quốc gia, Trung tâm huấn luyện cán bộ Xây dựng nông thôn, Trung tâm huấn luyện biệt kích, Trường Thiếu sinh quân (Vũng Tàu) cùng với số lính thất trận từ các chiến trường chạy về gồm tàn quân của Sư đoàn 1, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 và Sư đoàn 18 bộ binh, Sư đoàn lính thủy đánh bộ, Lữ dù 1 và 1 chi đoàn xe tăng bọc thép. Toàn bộ lực lượng địch tương đương 6 sư đoàn, quân đông nhưng không mạnh. Tuy nhiên, địch vẫn có ưu thế về hoả lực, phương tiện chiến tranh, công sự phòng thủ vững chắc, và rất ngoan cố, quyết tử thủ.

Sau khi nghiên cứu thế trận và tương quan lực lượng trên chiến trường, phương án giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn I: Giải phóng thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy (tên do chế độ Sài Gòn đặt), chiếm cầu Cỏ May.
- Giai đoạn II: Giải phóng Vũng Tàu.

Trung đoàn 12 Sư đoàn Sao Vàng được giao nhiệm vụ đánh chiếm Chi khu Đức Thạnh, sau đó vận động tấn công Chi khu Long Lễ, phát triển đánh chiếm Chi khu Long Điền và Chi khu Đất Đỏ. Lực lượng vũ trang các huyện sẽ phối hợp, dẫn đường và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Trung đoàn 141 Sư đoàn Sao Vàng đảm nhiệm mũi chủ công đánh vào tỉnh lỵ Phước Tuy (Bà Rịa) được tăng cường 1 đại đội xe tăng.

Trung đoàn 2 là lực lượng dự bị trong giai đoạn 1, sẽ đảm nhiệm mũi chủ công trong giai đoạn 2, giải phóng thành phố Vũng Tàu.

Trên hướng Đức Thạnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12 Đoàn Mai Ngữ nhận lệnh nổ súng vào lúc 14 giờ ngày 26/12/1975, nhưng do Trung đoàn 141, mũi chủ công đánh vào thị xã Bà Rịa còn đang trên đường hành quân chưa tiếp cận được mục tiêu, Sư đoàn lệnh hoãn giờ nổ súng đến 03 lần. 17 giờ 30 phút ngày 26/4, hỏa lực pháo của Trung đoàn 12 khai hoả, bắn áp đảo địch cho bộ binh xung phong. Địch gọi pháo bắn chặn và dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Sau 02 đợt xung phong, Trung đoàn 12 vẫn chưa chiếm được chi khu. Trung đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ ra lệnh ngừng tiến công, củng cố lực lượng, dự kiến mở đợt tấn công thứ 3 vào lúc 5 giờ sáng 27/4/1975. Nhưng địch lượng sức không giữ nổi nên đã rút chạy trong đêm. Trung đoàn 12 cùng lực lượng huyện Châu Đức làm chủ Chi khu Đức Thạnh lúc 4 giờ sáng 27/4/1975. Đây là quận lỵ đầu tiên trong tỉnh được giải phóng.

3. Mũi chủ công giải phóng tỉnh lỵ Bà Rịa 

Nhiệm vụ thọc sâu, tiến công giải phóng thị xã Bà Rịa được Sư đoàn Sao Vàng giao cho Trung đoàn 141, với sự tăng cường của đại đội 4 xe tăng. Cuộc tiến công giải phóng thị xã Bà Rịa mở màn lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nã đạn vào các mục tiêu quan trọng. Đại đội 4 xe tăng xuất kích từ hướng Núi Dinh đưa mũi chủ công tiến vào tỉnh lỵ Bà Rịa theo sự hướng dẫn của Đội biệt động thị xã. 

Lần đầu tiên xe tăng Quân giải phóng xuất hiện trong thị xã, địch bất ngờ, tháo chạy hỗn loạn, rồi tổ chức lại lực lượng phản ứng quyết liệt. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố trong đêm. Xe tăng số 3 trúng đạn M.72 đứt xích. Xe số 4 sa hố phải nằm lại chờ ứng cứu. Xe tăng số 2 dẫn bộ binh đánh xuống phía Nam nhưng bị sa lầy ở bờ sông Dinh. Xe tăng số 1 tung hoành ở khu vực trung tâm song mất liên lạc với bộ binh nên phải quay ngược ra đón mũi xung kích. 22 giờ, các mũi xung kích được lệnh dừng lại củng cố, bảo vệ các vị trí đã chiếm được. 

Ngày 27/4/1975, trời vừa hửng sáng, xe tăng số 1 dẫn đội hình Tiểu đoàn 7 đánh vào khu tiếp liệu, khu an ninh, Ty cảnh sát và Sở chỉ huy Liên đoàn Bảo an. Địch đưa xe tăng ra phản kích, bị xe tăng số 1 Quân giải phóng bắn cháy chiếc đi đầu, những chiếc còn lại tháo chạy. Sáu giờ sáng, Quân giải phóng chiếm tòa hành chánh rồi phát triển lực lượng ra hướng Cầu Mới, Ty chiêu hồi. Một mũi đánh ngược lên hướng Lộ 2, điểm nhà đá Cây Cầy. Trưa 27/4/1975, Quân giải phóng làm chủ Tỉnh đoàn Bảo an, Các cụm pháo Ông Trịnh, Láng Cát trên Lộ 15 rút chạy.

Ở phía Tây, Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu vực Núi Dinh rồi phát triển vào thị xã Bà Rịa. Khẩu đội ĐKZ bắn cháy 2 xe tăng địch. Trong khi đó, ở phía Đông, Tiểu đoàn 8 tiến công Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Tình hình phát triển rất thuận lợi. Đại đội 4 xe tăng được lệnh cùng Tiểu đoàn 9 đánh xuống cầu Cỏ May, với quyết tâm chiếm giữ cầu, chuẩn bị cho giai đoạn 2 của chiến dịch: giải phóng Vũng Tàu.

Tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, số tân binh huấn luyện cùng tàn quân tụ lại chống trả quyết liệt. Tiểu đoàn 8 (E.141) tiến đánh từ 12 giờ đến 15 giờ mới đập tan ổ kháng cự này. Ủy ban quân quản thị xã Bà Rịa được thành lập lúc 18 giờ cùng ngày. Thị xã Bà Rịa được hoàn toàn giải phóng. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên lầu nước (Nhà Tròn) và các đường phố trong tỉnh lỵ.

Cùng ngày 27/4/1975, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác và J.14 Quân báo Miền tiến công giải phóng xã đảo Long Sơn. Sư đoàn Sao Vàng triển khai một bộ phận qua Long Sơn, bố trí hoả lực tại Bến Điệp khống chế các mục tiêu ở Vũng Tàu và khóa cửa sông Lòng Tàu. 

Nhân dân thị xã Bà Rịa chào đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu

 

4. Lực lượng địa phương làm chủ chiến trường Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ và Lộ 15

Trong lúc Sư đoàn Sao Vàng tiến công Chi khu Đức Thạnh và Tiểu khu Bà Rịa thì địch rút chạy khỏi Xuyên Mộc (sáng 27/4/1975). Trưa 27/4/1975, lực lượng địa phương đã làm chủ địa bàn, Xuyên Mộc được giải phóng, không tốn một viên đạn.

Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương được tăng cường C.41 bộ đội huyện Châu Đức và C.25 bộ đội huyện Long Đất tiến công Chi khu Long Điền, chiếm Chi khu và quận lỵ Long Điền vào lúc 9 giờ ngày 27/4/1975, sau đó triển khai lực lượng đánh chiếm Chi khu và quận lỵ Đất Đỏ vào lúc 12 giờ 30 phút, ngày 27/4/1975.

Trên địa bàn lộ 15, khi mũi chủ công nổ súng tiến công vào thị xã Bà Rịa chiều 26/4/1975, các toán quân địch đều hoang mang. Sáng 27/4/1975, Yếu khu Phú Mỹ rút quân về Bà Rịa và Vũng Tàu. Lực lượng chính trị huyện Châu Đức xuống đường, giải phóng xã Mỹ Xuân và xã Phước Hòa lúc 12h ngày 27/4/1975.

5. Phòng tuyến Cỏ May - quyết chiến điểm tại cửa ngõ Vũng Tàu 

Sau khi Tây Nguyên và toàn bộ vùng duyên hải miền Trung thất thủ, tàn quân địch kéo về Vũng Tàu hàng chục ngàn tên, chiếm đóng các trường học, nhà thờ, chùa chiền. Lực lượng Sư đoàn dù 22, Sư đoàn bộ binh 18, thất trận về cùng với Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ, Tiểu đoàn 6 lính dù cùng lực lượng học viên trường bình định nông thôn cố thủ dọc Bãi Sau; Trường Truyền tin phòng thủ từ cảng Rạch Dừa qua Bến Đình, Bến Đá; Trường Thiếu sinh quân phòng thủ khu vực Bãi Trước; Bộ Tư lệnh vùng 3 Duyên Hải sử dụng 19 giang thuyền, 27 tàu chiến đấu, tàu chở quân tuần tiễu, kiểm soát Bãi Trước, Bãi Sau. 

Trưa 27/3/1975, khi tỉnh lỵ Bà Rịa thất thủ, địch cho nổ mìn đánh sập cầu Cỏ May, lập phòng tuyến tử thủ Vũng Tàu. Lực lượng tại Vũng Tàu khoảng 40.000 tên (tương đương 5 Sư đoàn), được bố trí các cụm phòng thủ dọc lộ 15 và các cụm phòng ngự ven sông, ven biển, mạnh nhất là cụm phòng ngự cầu Cỏ May - cầu Cây Khế.

Phương án giải phóng Vũng Tàu bằng cơ giới và bộ binh được điều chỉnh lại, tổ chức thành 2 mũi: 

- Mũi chủ công với sự chi viện của hoả lực mạnh của Sư đoàn vượt sông Cỏ May đánh dọc lộ 15 vào thành phố. 
- Mũi vu hồi dùng ghe của dân bí mật vượt Cửa Lấp, đánh dọc bãi biển bọc sau lưng tuyến phòng thủ của địch.

Đêm 28/4/1975, một phân đội của đơn vị A.32 đặc công thủy Vũng Tàu bí mật vượt Sông Dinh sang Vũng Tàu, đánh chìm một tàu trên 10.000 tấn tại cảng Rạch Dừa làm rung chuyển cả tuyến phòng thủ dọc lộ 15. Phân đội thứ 2 bí mật đột nhập đánh cầu Rạch Bà và trụ lại, đánh địch bảo vệ cầu và chốt giữ. Đơn vị A.31 biệt động Vũng Tàu cũng bí mật triển khai lực lượng vào khu vực khóm Rẫy (Thắng Tam) để đón cánh quân chủ lực từ Phước Tỉnh vượt biển qua. 

Đêm 28/4/1975 Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 Sư đoàn Sao Vàng đã chiếm lĩnh bãi sông phía Bắc cầu Cỏ May. 3 giờ sáng 29/4/1975, bộ đội vượt sông, cặp được vào bãi sú phía Nam thì địch phát hiện và tung quân phản kích. Xe tăng, xe bọc thép địch xả đạn 12,7 ly vào đội hình Quân giải phóng. Máu các chiến sĩ Tiểu đoàn 3 loang đỏ bãi phù sa sông Cỏ May. Sau 07 giờ giao tranh, đội hình của Tiểu đoàn chưa phát triển lên được mặt đường, nhưng địch không đánh bật được họ khỏi bãi sú. Thương vong của Tiểu đoàn chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nếu không có sự chi viện đắc lực của Trung đoàn 12 từ hướng Đông Nam. 

Trong lúc đó, mũi vu hồi, Trung đoàn 12 được 50 ghe của ngư dân chuyển quân vượt Cửa Lấp hết sức thuận lợi. Sư đoàn Sao Vàng quyết định giao cho Trung đoàn 12 đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu. Một phân đội đánh chiếm cụm phòng ngự của địch tại ấp Phước Thành, khiến tuyến phòng thủ Cỏ May - Cây Khế hoang mang, nhốn nháo. Chớp thời cơ, từ bãi sông Cỏ May, 65 tay súng còn lại của Tiểu đoàn 3 mở đợt phản công. Địch tan vỡ từng mảng, quăng súng chạy thoát thân. 

6. Quân và dân thành phố Vũng Tàu trong ngày giải phóng quê hương

Vào thời điểm đó, một phân đội Đặc công thủy A.32 Thị đội Cấp(1)  đang đánh địch tại cầu Rạch Bà, đánh lùi 5 đợt phản kích của địch, bảo vệ cây cầu cho bộ đội chủ lực tiến vào thành phố Vũng Tàu. 05 cán bộ chiến sĩ của A.32 đã hy sinh anh dũng ngay trước lúc thành phố Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng(2)

Đêm 29/4/1975, bất chấp pháo rơi, đạn nổ, dòng điện vẫn thắp sáng đón bộ đội vào giải phóng Vũng Tàu. Các đảng viên mật chỉ đạo công nhân Nhà Đèn nổi dậy làm chủ và bảo vệ nhà máy, giữ vững dòng điện trong ngày giải phóng.  

5 giờ sáng ngày 30/4/1975, Ban khởi nghĩa phường Thắng Nhì xuống đường. Chiều hôm trước, trung úy Lê Thành Thưởng, Trưởng phân Chi khu quân sự nguỵ quyền phường được cán bộ binh vận giác ngộ đã giải tán trung đội dân vệ tại trụ sở và bắt giam 4 trong 5 tên ngụy quyền phường, thu vũ khí, trang bị cho Ban khởi nghĩa. Một bộ phận mang băng đỏ đề chữ GPQ (Giải phóng quân) vũ trang chiếm cao ốc Chánh Phát, đối diện trụ sở ngụy quyền để khống chế địch. Bộ phận thứ 2 đeo băng ANND (An ninh nhân dân) đột nhập trụ sở nguỵ, gỡ bảng hiệu ngụy quyền phường, treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền, truy lùng bọn ác ôn. Nguỵ quân, nguỵ quyền bỏ chạy, không tên nào dám chống cự. Lực lượng khởi nghĩa toả ra các ngả đường treo cờ, căng khẩu hiệu và đón bộ đội vào. 

9 giờ sáng ngày 30/4/1975 Ban khởi nghĩa thành phố Vũng Tàu đã chiếm Tòa thị chính và hầu hết các công sở của nguỵ quyền. Đồng chí Phạm Văn Hy, Bí thư Thành ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban quân quản đọc nhật lệnh kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền nộp vũ khí; động viên dân dân Vũng Tàu truy quét địch, ổn định cuộc sống, xây dựng chính quyền cách mạng. 

Trận đánh quyết liệt nhất ở trung tâm thành phố đã diễn ra tại khách sạn Palace vào trưa 30/4/1975. Những tên ác ôn thất trận đã co cụm ở đây từ đêm 29/4 để tìm đường rút chạy ra biển. Trong khách sạn có khoảng 450 sĩ quan và bọn lính ác ôn, ngoan cố. Chúng nhốt dân tị nạn ở tầng trệt làm lá chắn và cố thủ các tầng trên. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn Sao Vàng triển khai đội hình, phát loa binh vận. Tổng thống nguỵ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng bọn ác ôn ở Palace vẫn điên cuồng chống trả. Máu của các chiến sĩ ta vẫn đổ. 

Tiểu đoàn 6 dùng hỏa lực bắn áp đảo 30 phút vào các tầng lầu, chi viện cho bộ đội tiếp cận mục tiêu, phá cửa tầng trệt đưa đồng bào ra ngoài. Một mũi khác được thanh niên địa phương dẫn đường đã đưa hỏa lực lên chiếm lĩnh sườn Núi Nhỏ, nã đại liên, B40, B41 và ĐKZ vào các cửa sổ tiêu diệt địch. Bọn ác ôn kéo cờ trắng ra hàng lúc 13 giờ 30 phút. Hàng trăm tên sĩ quan cúi đầu, giơ tay bước ra khỏi khách sạn. Máu các chiến sĩ Tiểu đoàn 6 còn ướt đẫm những thước đường quanh khách sạn. Hai thanh niên phường Thắng Tam là Trương Ngọc và Võ Đình Thành dẫn đường cho bộ đội cũng hy sinh trong trận này.  

Đ/c Phạm Văn Hy, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vũng Tàu đọc nhật lệnh trong ngày giải phóng 30/4/1975.

 

7. Nổi dậy giải phóng Nhà tù Côn Đảo

Tháng 4/1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), còn 3.214 là tù thường phạm, quân phạm. Bộ máy kềm kẹp của địch gồm một tiểu đoàn bảo an (khoảng trên 500 tên), một đại đội cảnh sát (khoảng 100 tên), 89 giám thị, 130 công chức và gần 100 trật tự an ninh được tuyển chọn trong số tù thường phạm, quân phạm lưu manh nhất.   
Ngày 29/4/1975, các mặt trận đồng loạt nổ súng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ở Côn Đảo các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Bầu trời Côn Đảo náo loạn bởi những chuyến bay lên xuống, chở quân tướng Mỹ, ngụy di tản. Ca-nô, tàu há mồm cập bãi Cỏ Ống, chuyển tiếp ra các tàu đón người di tản đang đậu ngoài khơi. 16 giờ 30, bọn cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo rút chạy. Đêm ấy chúa đảo Lâm Hữu Phương tự lái xe chở vợ con qua chi khu Bến Đầm bí mật xuống ca-nô trốn ra tàu di tản.

Sáng 30/4, Đại úy Phạm Huỳnh Trung chỉ huy phó Đặc khu Côn Sơn triệu tập hội nghị liên tịch giữa các sĩ quan và công chức, gác ngục. Chúng quyết định khóa chặt tất cả các cửa phòng giam, bố phòng nghiêm ngặt, tổ chức di tản ra tàu bằng mọi phương tiện trên đảo và thủ tiêu toàn bộ tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Nhưng cách mạng đã chặn bàn tay khát máu, không để lũ quỷ dữ kịp thực hiện tội ác cuối cùng. Kế hoạch di tản và thủ tiêu tù chính trị vừa bàn ngớt miệng thì cơn bão táp cách mạng ập đến. Tin Dương Văn Minh đầu hàng, thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng như tiếng sét đánh làm chúng rụng rời chân tay và kinh hoàng tháo chạy. Cuộc di tản hỗn loạn kéo dài từ trưa 30/4 đến nửa đêm.

Tù chính trị vẫn theo dõi biến cố ở đất liền. Trưa 30/4/1975, tất cả các phòng giam bị cấm cố, không ai được ra ngoài. Ban lãnh đạo tù chính trị các trại giam quyết định tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 trọng thể để phát huy truyền thống của tù chính trị và thăm dò phản ứng của địch. Đêm 30/4, các trại tù đều vẽ cờ, ảnh Bác Hồ, lập Bàn thờ Tổ Quốc để sáng ra làm lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. 

Khoảng 11 giờ đêm, Đại úy Kiều Văn Dậu (Chỉ huy phó Đặc khu Côn Đảo) cùng Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ty thanh niên nguỵ và Nguyễn Văn Sơn, nhân viên hợp tác xã tiêu thụ Côn Đảo đến phòng 24, khu H, Trại VII báo tin Dương Văn Minh đầu hàng: thành phố Sài Gòn đã được giải phóng, bọn ác ôn trên đảo đã bỏ chạy hết, bọn trật tự an ninh vốn là thường án, lưu manh, quân phạm đang cướp bóc làm rối loạn trên đảo. Họ yêu cầu anh em tù chính trị ra giải phóng Côn Đảo, bảo vệ trật tự an ninh và bảo đảm tính mạng, tài sản cho những người còn lại trên đảo.

Các đồng chí có trách nhiệm hội ý và nhận định. Có thể Sài Gòn đã được giải phóng, cần tranh thủ thời gian để tự giải phóng cho mình, song phải hết sức cảnh giác âm mưu thủ tiêu tù chính trị của địch. Sau khi kiểm tra nguồn tin qua rađiô và cử người ra ngoài quan sát, những người có trách nhiệm ở Trại VII quyết định chớp thời cơ giải phóng Côn Đảo.

Lực lượng tù nhân giải phóng thu ngay 1 khẩu súng cacbin và chùm chìa khóa Trại VII. Người mở cửa, người phát loa thông báo cho các khu biết tin Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng và phát lệnh nổi dậy giải phóng Côn Đảo. Trại VII hoàn toàn được giải phóng lúc 3 giờ sáng. Các đồng chí có trách nhiệm ở Trại VII triệu tập ngay một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 ủy viên) để lãnh đạo cuộc nổi dậy. Đảo ủy lâm thời đề ra chương trình hành động, gồm 3 điểm chính:

1. Cử người đi giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ.
2. Tổ chức ngay lực lượng vũ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng trên đảo.
3. Thành lập chính quyền cách mạng để quản lí và giải quyết mọi việc trên đảo.

Một số tù chính trị vốn là cán bộ quân đội được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang, tự trang bị bằng vũ khí chiếm được của địch đến chiếm trại lính Bắc Bình Vương ở gần Trại VI, Trại VII. Trung đội thứ 2 được tổ chức ngay sau đó, đến chiếm trại lính Bình Định Vương ở gần Trại I, Trại IV, Trại V. Bọn lính ở 2 trại này đã chạy hết, bỏ lại mấy thùng lựu đạn và vài khẩu súng.

8h sáng ngày 1/5/1975, toàn bộ 8 trại giam với hơn 7000 tù nhân đã được giải phóng. Lực lượng vũ trang tù chính trị hoàn toàn làm chủ thị trấn Côn Đảo. 

10h sáng ngày 1/5/1975, Đài truyền thanh phát sóng, báo tin Côn Đảo hoàn toàn giải phóng và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Chính quyền được tổ chức theo tinh thần “hòa hợp hòa giải dân tộc”, gồm 15 người, lấy tên là “Ủy ban hòa hợp hòa giải dân tộc” tỉnh Côn Sơn(3).  

Đảo ủy lâm thời họp mở rộng, có đại diện của tất cả các trại, bàn việc quản lí, bảo vệ đảo và liên hệ với đất liền. Ban chấp hành được củng cố gồm 14 đồng chí. 14h chiều ngày 2/5, Đài vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng chuyển bức điện về đất liền: “Ủy ban hòa hợp hòa giải dân tộc ở Côn Sơn đã được thành lập 7h sáng ngày 1/5. Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Liên tục phát sóng đến 15h ngày 3/5 thì bắt liên lạc được với thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí Phan Huy Vân (tức Trần Trọng Tân) được mời đến nói chuyện trực tiếp. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để thành ủy gửi ngay theo đoàn tàu ra giải phóng Côn Đảo thì đồng chí đã trả lời: “Cho chúng tôi ảnh Bác Hồ”.

Rạng ngày 4/5/1975, phân đội tàu hải quân chở bộ đội ra giải phóng Côn Đảo. 500 tấm ảnh Bác Hồ được tù nhân giải phóng truyền tay nhau rước về các phòng, các trại. Giờ phút ấy, không gian Côn Đảo dường như lắng lại, tan vào những giọt nước mắt nóng hổi của những người tù.

Ngày 5/5/1975, chuyến tàu đầu tiên chở 550 tù chính trị tàn tật, què lết về đất liền chữa trị. Chiều ấy, tàu cập cảng Rạch Dừa - Vũng Tàu. Hơn 1000 người mít tinh tại cảng đã hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô các chiến sĩ chiến thắng từ Côn Đảo trở về”. Trong khi đó, Đoàn tù chiến thắng ấy thì xúc động hô vang:

- Đời đời nhớ ơn quân dân cả nước đã cứu sống chúng tôi.
- Đời đời nhớ ơn quân dân cả nước đã cứu sống chúng tôi.
- Đời đời nhớ ơn Bác Hồ kính yêu !

8. Những dấu ấn khó quên 

Bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng chính trị với sự tham gia đông đảo quần chúng cách mạng, chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày (từ 17 giờ ngày 26/4 đến 13 giờ ngày 30/4/1975), lực lượng cách mạng đã giải phóng hoàn toàn địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tàn phá ít nhất, tài sản và tính mạng nhân dân được bảo vệ, ít tổn thất nhất. 

Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu nổ ra cùng thời điểm với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng kết thúc muộn hơn 02 giờ tại thành phố Vũng Tàu, và gần 20 giờ tại Côn Đảo. Điều đó cũng phản ánh sự tranh trấp quyết liệt tại địa bàn cửa ngõ - "chân thang" của cuộc chiến tranh này.

Nếu như hình thái chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn Miền Nam là tiến công và nổi dậy, trong đó mũi tiến công là quyết định, mũi nổi dậy là phối hợp, hỗ trợ thì ở chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu, mũi nổi cậy thể hiện khá đặc sắc. Thành phố Vũng Tàu được bố phòng nghiêm ngặt với mạng lưới mật vụ và an ninh quân đội dày đặc, nhưng nhân dân Vũng Tàu vẫn chuẩn bị chu đáo cho ngày nổi dậy. Công nhân nhà máy điện Vũng Tàu đã nổi dậy làm chủ nhà máy, bảo vệ nguyên vẹn máy móc, thiết bị, vật tư và giữ vững dòng điện trong ngày giải phóng. Nhân dân phường Thắng Nhì đã nổi dậy giành chính quyền trước khi bộ đội chủ lực tiến vào.

Đặc biệt là tại Côn Đảo, lực lượng tù chính trị đã nổi dậy, tự giải phóng mình, giải phóng Côn Đảo khi tất cả bị giam giữ trong nhà lao, bị còng xiềng với một chế độ giam giữ khắc nghiệt nhất. Đây là địa bàn duy nhất mà mũi nổi dậy không có sự phối hợp với mũi tiến công. Tuy nhiên, thắng lợi của cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo vẫn là kết quả trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975. Thế và lực của cách mạng, thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 đã làm sụp đổ hoàn toàn ý chí phản kháng và thủ đoạn của bọn gác ngục trên hòn đảo tù, làm tê liệt cả âm mưu thủ tiêu tù chính trị. Chính những binh sĩ, gác ngục, công chức giác ngộ trong thời điểm bão táp cách mạng ấy đã góp phần vào thắng lợi của cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo. 

Đây cũng là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt đầy thông minh của những người tù chính trị Côn Đảo, trong đó có thành quả của mũi binh vận. Trong lúc hàng ngày hàng giờ phải đấu tranh để bảo vệ mạng sống, bảo vệ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, những người tù chính trị vẫn tích cực làm công tác binh vận và chuẩn bị mọi điều kiện cho ngày giải phóng. Sức cảm hoá lớn lao toả ra từ nhân cách của những người tù chính trị Côn Đảo đã khiến cho một phần lớn binh sĩ, gác ngục và công chức trên đảo không di tản, ở lại cùng gia đình, thực hiện tinh thần hòa hợp - hòa giải dân tộc của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, hợp tác với tù chính trị Côn Đảo giải phóng hòn đảo ngục tù.

Với khí thế tiến công và nổi dậy - nổi dậy và tiến công, quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp chặt chẽ với Sư đoàn Sao Vàng anh hùng đập tan 01 tiểu khu, 02 yếu khu, 05 chi khu cùng lực lượng địch tương đương 06 sư đoàn, giải phóng toàn địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

---------------------------------------

1- Thị đội Vũng Tàu. Phân đội gồm 09 cán bộ chiến sĩ
2- A.32 là đại đội đặc công thủy được quân khu điều về Vũng Tàu từ năm 1968, đã được tặng 24 Huân chương chiến công và quân công cho đơn vị và gần trăm huân chương chiến công cho các chiến sĩ về thành tích đánh tàu, đánh cảng, đánh cầu trên chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong số 46 cán bộ, chiến sĩ của đại đội từ ngày đầu, đã có 24 người hi sinh, trong đó, 5 người vừa ngã xuống ngay trước lúc Vũng Tàu được giải phóng. Cờ, khẩu hiệu và niềm hân hoan cuốn theo những đoàn quân tiến vào giải phóng, trong khi xác họ còn ấm nóng trên tay đồng đội.
3- Linh mục Phạm Gia Thụy được cử làm Chủ tịch. Bảy ủy viên là tù chính trị vừa được giải phóng, trong các chức vụ: phó Chủ tịch thứ nhất, tổng thư ký, ủy viên quân sự, ủy viên an ninh, ủy viên chính trị và thông tin, ủy viên kinh tế và xã hội, 7 ủy viên khác là sĩ quan, công chức, giám thị đã tham gia giúp tù chính trị trong cuộc nổi dậy giải phóng Côn Đảo.
4- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh BR-VT
 5-Giảng viên Trường Chính trị tỉnh BR-VT

 


TS. Nguyễn Đình Thống(4)
TS. Hồ Viết Hùng(5)

Tag:

File đính kèm