Sign In

Chủ trương “nắm” hợp lòng dân – ghi nhận từ huyện Thạnh Phú

16:46 06/07/2023
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Như vậy, “nền tảng tư tưởng của Đảng” ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn có chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ phải xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, có như thế nhân dân mới tin Đảng, góp sức xây dựng đất nước và bảo vệ chế độ.


Nghị quyết 35-NQ/TW-khóa XII ngày 11/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là quan trọng, cần thiết trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào của đất nước. Để góp phần cùng cả nước thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có bảo vệ nhân dân và chế độ, năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành kế hoạch số 23-KH/TU ngày 18/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công cấp ủy tỉnh và cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”. Đây là chủ trương đúng, được cán bộ và Nhân dân đồng thuận, ủng hộ, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và xây dựng thế trận lòng dân ngày càng ổn định, phát triển, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Để làm những việc ích nước, lợi dân thì đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nắm rõ chủ trương, đường lối, chính sách và nhất là nắm được tâm tư, tình cảm, cuộc sống của người dân, từ đó lãnh đạo, điều hành công việc đạt kết quả. Muốn “nắm” dân, cán bộ, đảng viên phải gần dân, hòa mình vào công việc. “Nắm” dân là cách tiếp cận tối ưu nhất để cán bộ, đảng viên ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng kè thù lợi dụng nhân dân để tiếp cận tuyên truyền những vấn đề sai trái, xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.


Trên cơ sở Kế hoạch phân công cấp ủy tỉnh và cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các huyện, thành ủy và Ban Thường vụ các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở cấp mình. Như vậy, 100% cấp ủy từ xã, huyện đến tỉnh đều được Ban thường vụ các cấp phân công phụ trách xã, ấp và Tổ nhân dân tự quản (Tổ NDTQ). Bám sát nhiệm vụ chính trị, cán bộ được phân công hàng tháng, quý, sáu tháng và năm đều sắp xếp công việc tham dự các buổi hội, họp từ xã đến ấp để nắm tình hình chung, trong đó có nắm Nhân dân, dư luận xã hội, qua đó kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết sớm nhất, tạo niềm tin trong nhân dân. Do vậy, cán bộ được phân công về cơ sở có điều kiện thuận lợi dễ tiếp cận chủ trương và truyền đạt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vừa giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của Nhân dân.


Gần để nắm dân dễ dàng hơn


Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chủ trương đúng là thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”. Là cán bộ của tỉnh, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công theo dõi, hỗ trợ địa bàn xã An Nhơn, đồng chí Lê Văn Khê –Tỉnh ủy viên nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công Nghệ, nguyên Giám đốc Sở Công Thương, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú (từ năm 2016-2021) đã sắp xếp thời gian công tác, thường xuyên đi cơ sở tham dự các buổi hội nghị sơ, tổng kết tại xã và ở Khu dân cư. Đặc biệt, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thông tin với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã làm tốt công tác an sinh xã hội: Vận động hỗ trợ địa phương xây mới 20 căn nhà tình nghĩa, tình thương trị giá trên 650 triệu đồng; hỗ trợ xã An Nhơn nguồn lực mua sắm trang thiết bị để cán bộ công chức xã phục vụ làm việc; hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khó khăn hàng năm trên địa bàn xã với tổng kinh phí trên 50 triệu đồng. Đặc biệt, đồng chí Lê Văn Khê đã góp phần cùng với địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới về đích sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết Huyện ủy và Đảng bộ xã đề ra 2018 (kế hoạch 2019). Từ đó, bản thân có thêm kiến thức, kinh nghiệm góp phần phục vụ quá trình công tác được tốt hơn. Đồng thời, bản thân kịp thời báo cáo những khó khăn từ cơ sở với lãnh đạo Tỉnh ủy nắm để có hướng tháo gỡ kịp thời. Nắm dân, không những nắm cái được để đề xuất biểu dương, khen thưởng và nhân rộng mà phải nắm những cái chưa được, vướng mắc mà tiền lệ chưa có, chưa giải quyết  để giúp địa phương tháo gỡ, xử lý hiệu quả. Nếu như nắm công tác cán bộ là việc hệ trọng, phải xem xét, phân tích, phân công, giao việc phù hợp với năng lực chuyên môn và sở trường mới phát huy hiệu quả, thì nắm chủ trương, nghị quyết để truyền đạt thấu đáu đến cán bộ, đảng viên lại càng quan trọng hơn. Sinh thời Bác nói “Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta”.  


Với vai trò là Huyện ủy viên phụ trách ấp Quí Đức A, xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, đồng chí Võ Thị Hồng Thúy- Chánh án Tòa án Nhân dân huyện đã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, kịp thời nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách, hoạt động của cấp ủy, hệ thống chính trị. Đồng chí chia sẻ: “Hàng tháng, tôi đều sắp xếp tham dự sinh hoạt chi bộ ấp, tích cực góp ý kiến trong sinh hoạt, chỉ ra những hạn chế, đề xuất giải pháp thực hiện thời gian tới và chỉ đạo những việc cần làm mà cấp ủy cấp trên giao cho chi ủy và đảng viên chi bộ”. Đồng chí đã cùng với chi bộ vận động các nguồn lực hỗ trợ quà lễ, Tết và các dịp quan trọng cho địa phương, nhất là góp sức cùng với ấp được phụ trách xây dựng đạt chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện và Đồng chí biết được hàng tháng, ấp vẫn còn đơn thư trong dân, chủ yếu là tranh chấp ranh đất, vì thế đã kịp thời kiến nghị lãnh đạo UBND xã ngoài việc hòa giải đơn thư còn tổ chức họp dân để tuyên truyền các chủ trương, pháp luật có liên quan về đất đai để dân biết. Chính việc nắm dân sát sao vậy và hiệu quả từ công tác tuyên truyền đúng lúc, đúng thời điểm và đối tượng đã giúp địa phương giảm tình trạng đơn thư về đất đai trong dân. Nhiều năm liền địa phương không có tranh chấp đất trong nội tộc dẫn đến mâu thuẫn và xô xác mà trước đây đã xảy ra. Nếu như năm 2017 mỗi năm ấp tiếp nhận và tổ chức hòa giải tại Tổ 08-10 đơn thư trong dân, trong đó có từ 05 đến 06 đơn liên quan về đất đai thì từ năm 2022 đến nay số đơn thư tranh chấp về đất đai giảm còn 01-02 đơn/ năm.


Đồng chí Võ Thị Hồng Thúy- Huyện ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Phú phụ trách chi bộ ấp Quí Đức A, xã Quới Điền dự Đại hội chi bộ. (người mặc áo đen đứng thứ 3 từ trái sang)


Là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, đồng thời là Đảng viên phụ trách Tổ Nhân dân tự quản số 02, ấp Quí Thạnh, xã Quới Điền, đồng chí Lê Văn Lê đến dự họp Tổ Nhân dân tự quản vào ngày 16 âm lịch hàng tháng. Qua đó, truyền tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề quan trọng đến nhân dân nắm, thực hiện. Chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bản thân Đồng chí còn hỗ trợ cho người dân trong Tổ cài đặt dịch vụ công trực tuyến, vận động người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 (thời điểm diễn ra dịch bệnh năm 2020-2022); cài đặt sổ sức khỏe điện tử, kịp thời ghi nhận những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, lo lắng như: Giá dừa, bò, dê, tình hình xâm nhập mặn, khai thác cát sông trái phép,… để kịp thời báo cáo chi ủy, cấp ủy địa phương trong lãnh đạo, điều hành. Sự sát sao, nhại bén của Đồng chí qua nắm tình hình Nhân dân và phản ánh đến cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã giúp địa phương kịp thời giải quyết bức xúc của Nhân dân, nhất là đối với tình trạng khai thác cát trái phép trên sông, vì vậy nhiều năm liền xã, ấp không có đơn thư tập thể, cá nhân phản ánh về “cát tặc”, tình hình nhân dân luôn ổn định.


Thấy được tầm quan trọng của phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành từ năm 2016 và thực hiện xuyên suốt gần hai nhiệm kỳ qua 2015-2020 và 2020-2025, lãnh đạo Tỉnh ủy, huyện ủy và đảng ủy xã thường xuyên đi cơ sở với nhiều hình thức, cách làm khác nhau nhưng “nắm” được nhiều thông tin và chỉ đạo kịp thời để giúp cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Thử thách từ việc phân công cán bộ phụ trách huyện, xã, ấp đã giúp cán bộ có điều kiện gần dân, sát dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, qua đó tham mưu các cấp lãnh đạo chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp hợp với lòng dân nhằm mang tính khả thi cao. “Nắm” dân là cách đào tạo, rèn luyện cán bộ các cấp gần dân, sát với thực tiễn và kịp thời chuyển tải những chủ trương, thông tin nhanh hơn, giúp cán bộ các cấp có bước trải nghiệm từ thực tiễn và trưởng thành hơn về mọi mặt, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên.


Để chủ trương, nghị quyết đi vào đời sống Nhân dân, lãnh đạo huyện ủy ngoài việc công tác thường xuyên theo lịch, kế hoạch hàng tuần, tháng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú, đồng chí Châu Văn Bình còn sắp xếp thời gian tham dự họp Tổ nhân dân tự quản tại các ấp để kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới và Đảng viên phụ trách Tổ nhân dân tự quản trong việc tham gia sinh hoạt Tổ lệ kỳ. Đến dự họp Tổ NDTQ số 17 và 18 ấp Quí Đức B, xã Quới Điền vào cuối năm 2022, Bí thư Huyện ủy Châu Văn Bình phấn khởi vì Nhân dân tham dự đông đủ, mạnh dạn góp ý kiến xây dựng Tổ và địa phương. Đồng thời, cấp ủy, đảng viên phụ trách Tổ nhiệt tình tham dự họp với dân, tạo khí thế và phong trào thi đua sôi nổi trong Nhân dân.


Đồng chí Châu Văn Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú dự họp Tổ nhân dân tự quản số số 17 và 18 ấp Quí Đức B, xã Quới Điền.


Nếu như trước đây Đoàn công tác của tỉnh, huyện chỉ đến xã, ấp vào các dịp kiểm tra, giám sát, tổng kết, lễ trọng,…thì hiện nay chính phương châm “Tỉnh nắm tới xã; Huyện nắm tới ấp, khu phố; Xã nắm tới hộ gia đình” đã là chiếc cầu nối liền giữa tỉnh, huyện, xã với Nhân dân ngày càng gần hơn, sát hơn, hiệu quả hơn. Những vấn đề khó, phức tạp, phát sinh từ cơ sở sẽ truyền nhanh đến lãnh đạo tỉnh, huyện, xã qua buổi họp cấp ủy, chi bộ hàng tháng, thậm chí, gần hơn, nhanh hơn nữa còn từ kênh zalo, mạng ioffice,…để nắm và giải quyết kịp thời.


Từ các phong trào, các cuộc vận động do địa phương tổ chức đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ và Nhân dân. Phương châm “nắm” dân đã thật sự hiệu quả và có sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong các cấp, các ngành và địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được biểu dương, khen thưởng các cấp qua thực hiện phương châm này.


Phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” đã, đang và tiếp tục được thực hiện, khẳng định chủ trương của Đảng là đúng và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đó là cán bộ lãnh đạo các cấp luôn đồng hành và hướng về cơ sở, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc thực hiện phương châm đã giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có điều kiện thuận lợi hơn để gắn bó mật thiết với Nhân dân ở địa bàn dân cư; kịp thời nắm chắc tình hình cơ sở, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cấp ủy, chi ủy chi bộ và Nhân dân.


Một trong những điều kiện thuận lợi là khi cán bộ tỉnh, huyện, xã đến tham dự họp dân, hội nghị cử tri, họp mặt ở Khu dân cư với đoàn viên, hội viên và Nhân dân thì một vài hộ dân mạnh dạn phát biểu ý kiến, bức xúc của cá nhân, gia đình mình về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, mâu thuẫn nhỏ lẽ và các vấn đề Nhân dân thật sự quam tâm, lo lắng. Hầu hết các ý kiến của người dân được tiếp thu, ghi nhận, giải trình tại hội nghị, họp ở Khu dân cư; các vấn đề khác có liên quan đến cấp trên, ngành phối hợp được lãnh đạo địa phương tổng hợp báo cáo bằng văn bản gửi các ngành liên quan xem xét, giải quyết. Chính vì thế, đơn thư khiếu nại trong dân ở Khu dân cư ngày càng giảm, người dân an tâm phát triển kinh tế, tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.


Rèn cán bộ từ phương châm “nắm” dân


Thời gian qua, nhờ phân công cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã về theo dõi, hỗ trợ cơ sở đã giúp cho địa phương từ xã đến ấp nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nhất là chi bộ ấp. Qua sinh hoạt Cấp ủy, chi bộ, cán bộ tỉnh, huyện, xã hỗ trợ địa phương đã góp phần định hướng địa phương trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kiện toàn tổ chức bộ máy khi có biến động về nhân sự, đặc biệt thường xuyên nhắc nhở Đảng viên hàng tháng tham gia sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản để nắm tình hình Nhân dân và dư luận xã hội, kịp thời báo cáo chi ủy nắm để có hướng lãnh đạo, điều hành.


Phần lớn, cán bộ tỉnh, huyện, xã được phân công “nắm” dân đều tích cực, nhiệt tình, mạnh dạn góp ý giúp địa phương trên tất cả các lĩnh vực như xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, vận động các nguồn lực hỗ trợ cho địa phương thực hiện các vấn đề an sinh xã hội. Tích cực trao đổi thông tin, nắm và kịp thời báo cáo tình hình cơ sở cho đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy phụ trách địa bàn. Mặt khác, hầu hết các chủ trương của tỉnh, huyện, xã được cán bộ phân công phụ trách xã, ấp truyền đạt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời, nhất là Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, huyện ủy, đảng ủy xã, chi bộ hàng năm và nhiệm kỳ; công tác chuyển đổi số, phòng chống hạn mặn; phòng chống dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm; chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình trọng điểm; các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cần nhân rộng; gương điển hình; công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội,….được triển khai nhanh chóng, kịp thời đến Nhân dân.


Tuy nhiên, vẫn còn một vài cán bộ được Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng ủy xã phân công hỗ trợ địa phương chưa mạnh dạn tham gia góp ý, thông tin hai chiều còn ít, nhất là với cấp ủy, chi ủy chi bộ. Vẫn còn tình trạng cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa dân, hách dịch, đùng đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại khó. Nhiều vụ việc, đơn thư, khiếu kiện, tranh chấp nhất là lĩnh vực đất đai, hụi, tín dụng đen, tham gia tệ nạn xã hội… đã gửi các cấp, các ngành xem xét nhưng chậm được giải quyết thỏa đáng. Mặt khác, công tác nắm dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cấp cơ sở có lúc chưa kịp thời nên còn nhiều vụ việc tập hợp Nhân dân ở khu dân cư để giới thiệu sản phẩn, quảng cáo, tặng quà tri ân khách hàng, chụp ảnh lưu niệm mang tính chất lừa đảo ở Khu dân cư; vận đồng đồng bào theo đạo không hợp pháp gắn với tặng quà, cấp phát tiền,….có lúc, có nơi chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương biết để ngăn chặn từ sớm, từ xa nên một bộ phận Nhân dân thiếu niềm tin với Đảng, chính quyền.


Một ít cán bộ nặng về chuyên môn nên trong góp ý với địa phương chưa mang tính bao quát, toàn diện. Do công tác điều động, luân chuyển cán bộ, cấp ủy, chi ủy ấp thường xuyên thay đổi nên thông tin từ địa phương đến cán bộ phụ trách có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là tình hình nhân dân, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cho nên, trong lãnh đạo, điều hành cán bộ tỉnh, huyện, xã theo dõi, hỗ trợ địa phương còn có những hạn chế, khó khăn nhất định phải điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới. Công tác kiểm điểm, phê bình có lúc, có nơi chưa thật sự nghiêm túc, trong phê bình ở một ít cấp ủy và đảng viên còn hạn chế, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai chưa mạnh dạn đấu tranh. Nhiều cán bộ, đảng viên tích cực trong đấu tranh phê và tự phê bình đồng chí, tổ chức có lúc bị cô lập, ít người bảo vệ, thậm chí ít được quan tâm đề bạc, cân nhắc vào vị trí cao hơn. Phần đông cán bộ, đảng viên trẻ ít góp ý, xây dựng, phê bình những hạn chế, khuyết điểm của người khác thì được cấp trên cân nhắc, đề bạc.


Có thể khẳng định rằng, phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” là chủ trương đúng, kịp thời, mang lại hiệu quả cho tỉnh nói chung, từng đảng bộ cơ sở nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Để làm tốt hơn nữa chủ trương này, đòi hỏi cán bộ tỉnh, huyện, xã theo dõi, hỗ trợ cơ sở cần thường xuyên đầu tư nghiên cứu đầy đủ chủ trương, Nghị quyết Trung ương, tỉnh, huyện, xã, ấp ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, nắm kỹ những quy định đối với việc thực hiện phương châm. Mặc khác, cán bộ phải tích cực nghiên cứu sâu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, kiến thức về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu trong việc hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị. Muốn “nắm” được toàn diện, cán bộ phải “biết” và phải hòa mình vào công việc khi cần thiết.


Để thực hiện chủ trương “nắm” ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” với các giải pháp sau:


Cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã và chi ủy chi bộ các ấp, khu phố. Đặc biệt duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa cán bộ theo dõi, hỗ trợ với ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy cơ sở.


Đối với cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ địa phương cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình và là cầu nối nhằm truyền tải chủ trương của tỉnh, huyện, xã đến địa phương để triển khai thực hiện. Kịp thời góp ý cho địa phương, quan tâm hỗ trợ có hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở  địa phương mình phụ trách.


Đối với ban thường vụ các cấp, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung việc phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ địa phương cho phù hợp với tình hình. Duy trì công tác tổ chức họp định kỳ đối với cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ địa phương 6 tháng và hằng năm để đánh giá việc thực hiện phương châm sát, đúng thực tế.


Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng, nhân rộng nơi nào, địa phương nào cán bộ các cấp hỗ trợ phát huy hiệu quả, có tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm giúp cho địa phương ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn khởi sắc, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đặc biệt thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với những cán bộ được phân công hỗ trợ địa phương nhưng thực hiện chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, để nơi mình phụ trách xảy ra sai phạm kéo dài, khắc phục chưa kịp thời; cán bộ sợ va chạm, ngại đấu tranh, né tránh trách nhiệm, chưa kịp thời cung cấp đầy đủ các nội dung chỉ đạo, định hướng của tỉnh, huyện, xã đến địa phương theo dõi, hỗ trợ.


Tích cực phối hợp chặt chẽ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ được phân công theo dõi, hỗ trợ địa bàn và cấp ủy nơi cán bộ theo dõi, hỗ trợ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch. Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, điều hành và có trách nhiệm với địa phương mình phụ trách, theo dõi, hỗ trợ. Để chủ trương “nắm” phát huy hiệu quả trong thời gian tới đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải “hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.


Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ đảng viên phải tăng cường học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị, gần gũi, gắn bó với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến dân để những chủ trương ấy sớm đi vào đời sống nhân dân. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng, then chốt trong từng giai đoạn cách mạng của Đảng ta. Bảo vệ đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả sẽ giúp Đảng lãnh đạo, điều hành con thuyền cách mạng ngày càng thành công, giúp dân an tâm và tin Đảng. Bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ luôn gắn liền với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mà tất cả cán bộ, Đảng viên và những người yêu nước có trách nhiệm phải làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đang từng lúc, từng giờ tìm mọi cách để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và Nhân dân ta thì cán bộ, đảng viên và Nhân dân càng phải nêu cao cảnh giác và ra sức bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và Nhân dân ta ở mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó phải kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch làm ảnh hưởng đến tư tưởng, niềm tin của Nhân dân vào chế độ.



Tag:

File đính kèm