Sign In

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng

17:00 21/12/2023
Đứng trước những yêu cầu thực tiễn của cách mạng nước ta, tháng 12/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) và giao đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách.

Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cùng với Nhân dân làm nên những chiến thắng vang dội, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ. Sau khi được thành lập, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt; ngày 26/12/1944, tiếp tục đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch và thu tất cả vũ khí. Chiến thắng trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần đã ghi vào truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” như một mốc son của Quân đội nhân dân Việt Nam và truyền thống chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một mốc son lịch sử.

Chỉ thị thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân.(Ảnh tư liệu)

Tháng 3/1945, trước tình hình thế giới và trong nước chuyển biến nhanh chóng, có lợi cho cách mạng Việt Nam, Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng và ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được đổi tên thành Việt Nam Giải phóng quân. Việt Nam Giải phóng quân có nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho Nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần do Việt Nam Giải phóng quân làm nòng cốt đã giành thắng lợi ở nhiều nơi. Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lực lượng vũ trang cùng các tầng lớp Nhân dân đồng loạt đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của Nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân làm chủ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội đã góp phần rất quan trọng trong việc tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền Nhân dân trong những năm đầu cách mạng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân đội ta. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng, là cơ sở và điều kiện vững chắc để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để đáp ứng nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, phương châm lúc này được Đảng ta đề ra là tích cực xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt, quân đội ta đã cùng toàn dân xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; giữ gìn, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam.

Quân và dân ta đã đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất và lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ cả nước độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước. Quân đội ta cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đồng thời, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh và tái thiết đất nước Campuchia. Trong thời kỳ đổi mới, quân đội ta đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) là một sự kiện chính trị quan trọng của Quân đội và đất nước. Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng.

                                                                                                 Ngọc Hiền

Tag:

File đính kèm