Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo
Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học làm luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn trong đề xuất mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thống nhất sau sáp nhập hai ban.
NHIỆM VỤ CẤP THIẾT NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI, ĐÒI HỎI SỰ QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ CAO, SỰ ĐỒNG LÒNG CỦA TOÀN THỂ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
phát biểu đề dẫn Hội thảo, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính nêu rõ, việc tổ chức Hội thảo nhằm triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhưng đây cũng là một vấn đề lớn và vô cùng phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Để thực hiện công việc này, không chỉ cần đến sự đoàn kết, đồng thuận mà đòi hỏi tinh thần gương mẫu, dũng cảm và sẵn sàng hi sinh vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, hướng tới mục tiêu cao cả, đó là chuẩn bị để cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Với các yêu cầu, chỉ đạo rất cụ thể của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cần đưa ra được những đề xuất phương án tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Sau sáp nhập, cơ cấu của Ban mới hợp lý nhất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Sắp xếp lại không có nghĩa là ghép lại các đơn vị đã có một cách cơ học mà tổ chức lại một cách khoa học, khắc phục sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị của Ban với các đơn vị khác trong các cơ quan Đảng sau khi sắp xếp, tạo một khoảng không gian tốt nhất để bố trí, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ của Ban mới. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập được thực hiện thận trọng, bảo đảm phù hợp với năng lực sở trường của từng cán bộ, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời với thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nội bộ, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại hội thảo
"Việc sáp nhập hay hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương không chỉ là yêu cầu khách quan trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng mà còn là nhiệm vụ cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên", Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận đề xuất đặt tên Ban mới sau sáp nhập giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Các ý kiến phát biểu nhấn mạnh, tên gọi mới phải phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa công tác tuyên giáo và công tác dân vận, vừa kế thừa truyền thống, vừa khái quát ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, bao hàm hết được các công tác tuyên giáo và công tác dân vận của Trung ương trong tình hình mới.
Các đại biểu cũng nêu bật cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập hai ban; đề xuất xây dựng chức năng, nhiệm vụ hai ban mới sau sáp nhập với nguyên tắc không bỏ sót các chức năng, nhiệm vụ nào nhưng cũng tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm thống nhất, phù hợp với yêu cầu công tác tuyên giáo và dân vận trong tình hình mới, đồng thời rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo, các Hội đồng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập. Trên cơ sở đó đề xuất để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định sáp nhập là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng hoạt động của tổ chức mới theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm "tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ "tổng tham mưu". Do vậy, việc thống nhất tên gọi và chức năng, nhiệm vụ là cơ sở rất quan trọng để thiết kế cơ cấu tổ chức ban mới khoa học, hợp lý, không làm cho ban mới yếu đi mà phải mạnh hơn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.
Quang cảnh hội thảo
"Do mô hình tổ chức đảng ở nước ta khác với mô hình tố chức đảng ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây (không tính Trung Quốc, Lào, Cuba), nên khi giao dịch quốc tế, khó tìm các đối tác tương ứng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nước ta hội hội nhập quốc tế sâu rộng, đối ngoại đảng thành một kênh quan trọng, nên xác định một tên gọi thuận lợi khi giao dịch quốc tế", GS.TS Phùng Hữu Phú đề xuất.
THỐNG NHẤT NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU, YÊU CẦU, TIẾN ĐỘ TỔNG KẾT NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, đây đều là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cung cấp luận cứ để xác định tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Lãnh đạo hai Ban xin tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến của các đồng chí để đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và cán bộ của Ban mới tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm rằng mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Đây là công việc hệ trọng, cần phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học; khẩn trương, nhưng phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học…làm cơ sở đề xuất tên gọi, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thống nhất sau sáp nhập hai Ban. Hội thảo cung cấp cơ sở để mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên luận cứ khoa học, thực tiễn chắc chắn và đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới." - đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội thảo
Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo hai Ban, các chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất cao thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 25/11/2024 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung định hướng của Bộ Chính trị sáp nhập hai Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.
Đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định, Hội thảo thống nhất cao về nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, với quyết tâm chính trị cao, gương mẫu, chủ động quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc xác định tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập hai Ban. Nhưng đây cũng là một vấn đề lớn và vô cùng phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư và nguyện vọng của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của cả hai Ban. Để thực hiện được công việc này, không chỉ cần đến sự đoàn kết, đồng thuận cao mà còn đòi hỏi tinh thần gương mẫu, dũng cảm và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của người cán bộ, đảng viên, hướng tới mục tiêu cao cả hơn đó là sự chuẩn bị để nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Việc sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương không chỉ là yêu cầu khách quan trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, mà còn là nhiệm vụ cấp thiết nhằm nâng cao năng lực tham mưu, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ban mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên - Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Những ý kiến, đề xuất của các đại biểu trong Hội thảo hôm nay, Lãnh đạo hai Ban, Ban Chỉ đạo sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu tối đa, cân nhắc xây dựng phương án cụ thể trình Trung ương, Bộ Chính trị quyết định./.
PV