Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, việc ban hành luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các hoạt động khai thác hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông; việc phân tích, thống kê phục vụ hoạt động của Chính phủ.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận
Về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng đối với từng loại dữ liệu, chủ thể dữ liệu, vì hiện nay có rất nhiều dữ liệu như dữ liệu dùng riêng, dữ liệu gốc, dữ liệu cá nhân, tổ chức bị hạn chế quyền truy cập, thu thập thông tin.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định rõ các hành vi khác như tấn công mạng, phá hoại cơ sở hạ tầng dữ liệu hoặc làm gián đoạn hệ thống phục vụ xử lý dữ liệu vào khoản 2, Điều 9 của dự thảo luật.
Tại khoản 8, Điều 9 dự thảo luật có quy định "phát triển kinh doanh, lưu hành sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu xâm hại an ninh quốc phòng, quyền riêng tư của cá nhân, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam". Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu để phù hợp với thực tiễn, trong đó bao gồm cả việc áp dụng các công nghệ mới như AI và công nghệ chuỗi khối.
Vấn đề cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, dự thảo luật quy định trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội khi yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu ở trong trường hợp đặc biệt. Trong thực tế hiện nay, việc cung cấp dữ liệu có rủi ro cao về an toàn thông tin và có thể lộ, lọt thông tin khi thực hiện bàn giao giữa tổ chức, cá nhân. Bàn giao dữ liệu thường sử dụng các phương thức như kết nối, liên thông, tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu, cài đặt, cắm thiết bị lưu trữ để sao chép tài liệu, gửi tài liệu qua thư điện tử và các ứng dụng nhắn tin. Khi các cơ quan yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu cần có phương án để đảm bảo an toàn, tránh nguy hại, lộ, lọt thông tin của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trong việc chỉ định phương thức bàn giao tài liệu cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về biện pháp bảo vệ dữ liệu, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và quy định cụ thể về biện pháp hợp tác quốc tế trong kỹ thuật xử lý và bảo vệ dữ liệu. Vì đây là một nội dung rất quan trọng trong tình hình phát triển công nghệ xuyên biên giới, xuyên quốc gia rất nhanh chóng như hiện nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội
Liên quan đến quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, đại biểu cơ bản thống nhất theo đề nghị của Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển dữ liệu quốc gia. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát bảo đảm các hoạt động được ưu tiên chi của quỹ không trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và các hoạt động được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển phục vụ công nghiệp công nghệ số quy định tại dự án Luật Công nghiệp công nghệ số mà Quốc hội đang cho ý kiến; nghiên cứu và đánh giá tác động để quy định bảo đảm phù hợp, đồng thời làm rõ các nguồn thu để hình thành quỹ, các nội dung chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để đảm bảo tính cân đối, phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định liên quan đến pháp luật về ngân sách nhà nước./..