Sign In

Nêu cao tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh

22:08 14/09/2024
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết và dân chủ là những vấn đề đặc biệt quan trọng mà mọi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện. Đoàn kết và dân chủ có mối liên hệ mật thiết với nhau: Đoàn kết thật sự mới có dân chủ và thực hành dân chủ là nền tảng vững chắc để xây dựng đoàn kết trong Đảng, là hạt nhân, động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tư tưởng về sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến toàn diện và sâu sắc nhất. Đại đoàn kết dân tộc cũng là một trong những nội dung xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như trong hoạt động thực tiễn của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của đại đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, đại đoàn kết dân tộc chính là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân tộc. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc nhất quán, xuyên suốt toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp lực lượng nhằm hình thành sức mạnh to lớn của dân tộc chống kẻ thù của dân tộc, của giai cấp. Do đó đoàn kết trở thành vấn đề chiến lược lâu dài của cách mạng, nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Có nhiều quan niệm, khái niệm khác nhau về đại đoàn kết, nhưng có thể hiểu chung nhất đó là sự tập hợp sức mạnh của nhiều người để thực hiện có hiệu quả một công việc.
 
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân dân lao động mà trước hết là nông dân, công nhân. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là nội dung cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong tiến trình cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp “mọi người dân Việt Nam” và “mỗi người dân Việt Nam” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn gốc của đại đoàn kết là công nhân, nông dân và mở rộng đến tất cả nhân dân lao động và các tầng lớp nhân dân khác. Do đó, đại đoàn kết là một khối thống nhất và mở rộng đến mỗi người dân và mọi người dân Việt Nam, đó là lực lượng, sức mạnh tổng hợp để tập hợp lực lượng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cách mạng.
 
Đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp hài hòa, quyện chặt và nhất quán giữa yếu tố dân tộc và yếu tố giai cấp (Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học bổ túc văn hóa và kỹ thuật buổi tối của công nhân Nhà máy ô-tô “1-5”, lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp Hà Nội, ngày 19-12-1963)_Ảnh: Tư liệu TTXVN
 
Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết./Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết càng chặt chẽ thì thắng lợi càng to lớn.

Đại đoàn kết là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng.

Đoàn kết để tạo nên sức mạnh là mục đích và nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mạng.

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh trước hết là phải có cái gì?”. Người trả lời: “Trước hết phải có Đảng Cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

Đại đoàn kết trước hết phải được xem là điểm xuất phát, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng.

Báo cáo Chính trị ngày 11/2/1951, Người nêu rõ: “về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”… Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu và đánh bại những thế lực có ưu thế tuyệt đối về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước, Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”. Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam ngày 03/3/1951, Người nói: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng Cách mạng phải tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết, đoàn kết là cái tạo ra sức mạnh, và cũng chính đoàn kết mà việc gì khó khăn, gian khổ, ác liệt cũng sẽ vượt qua được. Theo Bác: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là then chốt của thành công”, đoàn kết là “điểm mẹ”. “Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”.

Trong xu thế hội nhập ngày nay, Đoàn kết không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu mà phải tạo thành sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần và sức mạnh của tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”. Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố. Nền có vững, nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Do vậy, cần phải thường xuyên củng cố để khối đại đoàn kết ngày càng vững chắc.

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tóm lại, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là trách nhiệm của các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu./.

Tag:

File đính kèm