Sign In

Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới

21:12 14/09/2024
Ðoàn kết là một truyền thống quý báu của Ðảng và dân tộc ta. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động làm nên nguồn sức mạnh vô địch của Đảng, là động lực sự phát triển của Đảng. Vì vậy, trong 94 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng thực hiện, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình” để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hiện nay, tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta; dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, kích động, chia rẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hòng làm giảm uy tín của Đảng. Đồng thời, xây dựng Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường xuất hiện những thách thức mới, nhất là “nhóm lợi ích”, chủ nghĩa cá nhân... nếu không chỉnh đốn kịp thời sẽ gây những hệ lụy cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chính vì vậy, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng là một đòi hỏi cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Từ những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, có thể thấy “đoàn kết làm ra sức mạnh”; “đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”; “đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết là thắng lợi của chúng ta” và sự đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức luôn gắn liền với sự gương mẫu về đạo đức của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh có những thay đổi về mặt nhân sự ở cơ quan lãnh đạo cấp cao gần đây và việc kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, càng thấy thấm thía những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy về đoàn kết thống nhất trong Đảng; về việc toàn Đảng phải củng cố, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất để Đảng phát triển vững mạnh. Điều đó cũng có nghĩa là, càng nhiều khó khăn, thách thức thì từng cấp ủy, tổ chức Đảng; từng cán bộ, đảng viên càng phải chú trọng việc phòng và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quét sạch tư tưởng cá nhân chủ nghĩa gắn với đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Đảng để làm trong sạch đội ngũ. Đặc biệt, việc đẩy mạnh phòng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, với việc đổi mới công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác nhân sự của Đảng nói riêng những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng càng cho thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng! Càng cho thấy là, để hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu càng phải nghiêm khắc với chính mình trong rèn luyện đạo đức cách mạng, trong sự nêu gương phòng và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ sớm, từ xa để “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo.

Trước hết, tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ động, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện dân chủ, kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm, Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng sẽ vừa góp phần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người về đoàn kết thống nhất, vừa sớm phát hiện và giải quyết dứt điểm mọi mầm mống mất đoàn kết trong nội bộ từ khi chớm xuất hiện, củng cố sự quyết tâm, tin tưởng vào Đảng, vào chế độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, việc tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng làm trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; với Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; với Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm… cũng sẽ thiết thực tạo nên sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, hành động của từng tổ chức cơ sở Đảng cũng như của từng cán bộ, đảng viên. Đó chính là góp phần để Đảng trong sạch, vững mạnh về phẩm chất đạo đức; vững vàng về trí tuệ và bản lĩnh chính trị; nghiêm ngặt về Điều lệ Đảng và kỷ luật Đảng; đoàn kết thống nhất trong cả tư tưởng và hành động. Đó cũng chính là thấm nhuần chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ta thành công chính vì ta đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng” để vừa thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, vừa chuẩn bị thật tốt các Văn kiện cũng như công tác cán bộ, công tác nhân sự trình Đại hội XIV của Đảng.
 
Hình ảnh minh họa bài viết. Nguồn: https://vnanet.vn
Thứ hai, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII, Đảng khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khóa X một lần nữa khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”.

Thực tiễn cho thấy ở địa phương, cơ sở nào, cán bộ đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thật sự tiên phong gương mẫu; xử lý hài hòa các lợi ích, biết đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, thì ở đó nội bộ đoàn kết, thống nhất, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền không ngừng được giữ vững và nâng lên. Ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo yếu kém về phẩm chất, năng lực, có tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, vun vén cá nhân, thì ở nơi đó đoàn kết trong tổ chức đảng bị rạn nứt, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền bị giảm sút, nhân dân thiếu tin tưởng, tình trạng mất đoàn kết nội bộ, dân khiếu kiện xảy ra kéo dài, chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng lớn đến vai trò, uy tín của Đảng trước quần chúng. 

Là một đảng cách mạng, mọi tổ chức đảng và đảng viên chỉ có một mục tiêu, lý tưởng cao nhất là phục vụ Tổ quốc, phụng sự giai cấp và nhân dân, không cho phép hình thành “nhóm lợi ích” trong Đảng. Vì vậy, phải phòng ngừa, ngăn chặn với các biểu hiện “nhóm lợi ích”, bởi các nhóm này theo đuổi những lợi ích riêng sẽ dẫn đến “bệnh bè phái” và suy thoái tư tưởng chính trị, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây là hoạt động rất quan trọng của các tổ chức đảng, nhất là trong tình hình mới nhằm sớm phát hiện và giải quyết dứt điểm mọi mầm mống mất đoàn kết trong nội bộ Đảng ngay từ khi chớm xuất hiện. Công tác kiểm tra việc thực hiện kỷ luật đảng phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ. Khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật đảng phải xử lý kiên quyết, minh bạch, bất kể là đối tượng nào, xử lý vi phạm kỷ luật phải đặt trong quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển, tránh quy chụp, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm. Để đáp ứng tốt yêu cầu nghiêm minh, tự giác trong công tác kiểm tra, giám sát, Đảng phải thường xuyên bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, năng lực trí tuệ. Khi các giá trị đạo đức cách mạng thấm sâu vào mọi mặt tổ chức và hoạt động của Đảng, Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, thì kỷ luật sẽ trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. Mục đích kỷ luật nghiêm minh là để “trị bệnh cứu người”, “cảnh tỉnh, răn đe” cho nên phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn chính là mục đích cao nhất của kỷ luật đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào cũng đều phải rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ, tham gia đầy đủ sinh hoạt chi bộ, tuân thủ kỷ luật, Điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; đồng thời, cần có cơ chế, quy chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Tóm lại, giữ vững và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng làm hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng. Bài học kinh nghiệm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ để khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước hùng cường và giàu mạnh./.
 

Tag:

File đính kèm