Sign In

Sinh hoạt tư tưởng: Có đức mặc sức mà ăn

09:24 02/08/2024
Tôi dẫn Hà đến nhà thầy Thắng, bạn tôi, một giáo viên dạy văn tuổi đã cao ở trường THPT. Lúc ra về, Hà ghé tai tôi hỏi: Cậu có thấy bộ chén gan gà trên bàn nước nhà thầy không? Tôi nói có và hỏi Hà: Có chuyện gì? Hà nắn cái túi đeo bên sườn, cười: Bộ chén có 4 chiếc, nay chỉ còn 3, vì 1 cái đã nằm trong túi của tớ đây rồi.


- Chết, sao cậu lại thế? Nếu bộ chén của cậu thiếu thì bảo tớ. Thầy Thắng là người rất tốt bụng và chỉn chu, thầy sẵn sàng biếu tặng cậu.

Hà nhằn nhằn môi:

- Cứ mỗi lần nhìn thấy bộ ấm chén gan gà ở nhà tớ bị vỡ, thiếu 1 chiếc là tớ ngứa mắt, khó chịu vô cùng.

Tuần lễ sau, ngẫm nghĩ và ngượng ngùng về cái sai của hành vi tự tiện bất chính nọ, Hà rủ tôi trở lại nhà thầy Thắng, với ý định sẽ len lén trả lại chiếc chén đã lấy trộm nọ. Bất ngờ, ngồi vào bàn trà chúng tôi mới nhận ra, bộ ấm chén gan gà không còn, thay thế vào đó là bộ ấm chén mới trắng bóng viền hoa văn xanh. 

- Chà, bộ ấm chén Nhà máy sứ Hải Dương thầy mới sắm trông sang trọng quá!

Tôi nói cho có chuyện. Thầy Thắng mở phích rót nước sôi vào ấm trà, tặc tặc lưỡi:

- Bộ ấm chén gan gà cũ là cậu con trai cả mua ở Bắc Kinh về tặng, không hiểu có phải ai trong nhà đánh vỡ một chiếc chén rồi vứt đi không nên hóa ra cọc cạch. Mà tôi thì luôn dị ứng với cái gì đó không hoàn thiện. Hoàn thiện đồng nghĩa với sự tốt đẹp trọn vẹn. Đành phải thay bằng bộ nội địa này vậy. Ở đời, tôi luôn luôn nhủ mình, phải yêu quý sự hoàn thiện và cố gắng giữ gìn sự hoàn thiện trên tất cả các mặt, hai cô ạ. 

Trời! Câu nói của thầy Thắng chắc hẳn chỉ đơn thuần là lời tự bạch. Mà sao tôi rơi vào trạng thái câm lặng, còn Hà thì ngồi như hóa đá.

2. Dị ứng với cái gì đó không hoàn thiện. Cố gắng giữ gìn sự hoàn thiện trên tất cả các mặt.

Không nói ra, nhưng ý tứ ngầm ẩn của thầy là gì, hiển nhiên là tôi và bạn tôi, hai người đều hiểu. Hiểu rằng trên bình diện cuộc sống nói chung thì hoàn thiện tức là sự cân bằng đầy đủ trọn vẹn, là yêu cầu của mọi sự vật. Nói cách khác, sự vật chỉ chính là nó khi nó có đủ các phẩm chất, đặc điểm, để được gọi là nó, chứ không phải là cái gì khác! Và như vậy, một khi đã là người cán bộ, đảng viên thì yêu cầu về sự hoàn thiện, cũng có nghĩa là người đó phải có tài lẫn đức.

Tài và đức. Hai phẩm chất song hành. Hai chuẩn mực để định giá mỗi cán bộ, đảng viên. Tài của người cán bộ, đảng viên là trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực riêng mà mình đảm nhiệm.   

Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Đức thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở đức khiêm nhường, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở việc nghiêm chỉnh thực hiện những điều đảng viên không được làm. Ở việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước…

Chỉ rõ tài và đức, hai phạm trù vừa tách riêng vừa thống nhất biện chứng với nhau trong nhân cách người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Nghĩa là vô dụng. Ngược lại, “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho Nhà nước”. Từ đó, về mối quan hệ của hai biểu hiện ở con người, Người nhấn mạnh “Đức phải có trước tài”, đức là “gốc”. Vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức - tài của người cán bộ là di huấn vô giá Người để lại cho Đảng và nhân dân ta. Đã là người cán bộ cách mạng thì phải có đủ đức, đủ tài tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, không thể châm chước bất cứ một tiêu chuẩn nào. 

Vừa phải có tài vừa phải có đức. Vừa phải hồng thắm vừa phải chuyên sâu. Tưởng là đơn giản mà hóa ra không dễ dàng. Như lúc này đây, từ thực tế sinh hoạt đảng, với những gì đang diễn ra, mọi người chúng ta đều nhận thấy rõ ràng, yêu cầu nêu trên không chỉ mang tính nguyên tắc, nguyên lý, mà thực sự còn mang tính thời sự cấp bách. Mang tính thời sự cấp bách, vì qua các vụ kỷ luật cán bộ, đảng viên gần đây, ai cũng thấy, việc nâng cao đạo đức cách mạng là cấp thiết hơn bao giờ hết. Đạo đức chính là mặt yếu kém của nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả các đồng chí có cương vị công tác cao, đang có trọng trách  lớn.

Họ, các đồng chí phạm phải kỷ luật ấy, đâu phải là những người không có tài. Đã từng nhiều năm hoạt động trong thực tiễn cách mạng. Đã tích lũy được nhiều hiểu biết và kinh nghiệm. Đã lập nhiều thành tích, đã có nhiều công trạng. Thậm chí nhiều đồng chí từng được tín nhiệm, được Đảng tin cậy, nhân dân yêu mến, được giữ những trách nhiệm cao trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước. Vậy mà cuối cùng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lại sa chân vào vũng bùn nhơ nhuốc của các thói tệ xấu xa, đặc biệt là để lòng tham chế ngự, không còn biết đến thanh danh và liêm sỉ. Rốt cuộc, đang là người có tài lại trở thành những con người không có đạo đức, tức vô dụng.

Đức không còn, tức mất “gốc” thì, tiếc thay tài cũng tiêu vong theo luôn. “Có tài mà cậy chi tài”. Thật sự là thế. Thất đức rồi thì hiển nhiên là thất tín. Tiếc và buồn thay cho những tài năng tự hủy hoại, tự đánh mất mình!

Tài là quan trọng, nhưng đức là gốc. Gốc sinh ra ngọn, ra tài. “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Điều đó như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ đúng với thực tiễn cách mạng, nhất là vào lúc này khi Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị vừa ban hành về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Không những thế, điều này còn là bài học xuất phát từ kinh nghiệm sống, là tri thức thực nghiệm của con người. 

Người xưa từng nói: Đức năng thắng số. Có đức mặc sức mà ăn. Cái nết đánh chết cái đẹp. Yêu vì nết, chẳng chết vì người. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người. Xấu chữ nhưng lành nghĩa. Chùa rách, bụt vàng. Tốt danh hơn lành áo. Người trồng cây hạnh người chơi/Ta trồng cây đức để đời về sau. Cha mẹ hiền lành để đức cho con…/..

Tag:

File đính kèm