Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, nhưng những di huấn, tư tưởng của Người về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội vẫn vẹn nguyên giá trị, luôn là sợi chỉ đỏ nhất quán, xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng, của dân tộc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cách đây 55 năm (năm 1969), trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là văn kiện vô giá, là “kim chỉ nam” cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào sáng ngày 10/5/1965 Bác Hồ viết bản Di chúc với tiêu đề "Tuyệt đối bí mật" gồm 3 trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Sau khi viết bản Di chúc với tiêu đề "Tuyệt đối bí mật" vào ngày 10/5/1965, phải tới năm 1968, Bác Hồ mới viết bổ sung một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.
Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm 1 trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người. Di chúc là Tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với Nhân dân của Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và tương lai.Từ một nước nghèo, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới, với GDP tính theo giá hiện hành tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành tương đương 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 6,42% - mức cao trên thế giới và khu vực; chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 4,08%; FDI đạt gần 15,2 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,5 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 8,83 triệu lượt. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam xếp thứ 107/193 quốc gia, vùng lãnh thổ; Chỉ số hạnh phúc (WHI) xếp thứ 54/143. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), 17/20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 253 chính đảng ở 115 quốc gia trên thế giới. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân có quan hệ đối ngoại với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài.Phát huy những thành tựu đạt được, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là quan điểm chỉ đạo cốt lõi, cần tiếp tục được quán triệt trong cả nhận thức và hành động. Văn kiện Đại hội nêu rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”./..
Tag:
File đính kèm