Không gian trưng bày sách trưng bày sách chuyên đề của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Tạp chí Cộng Sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn, xuất bản và ra mắt vào dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).
Cuốn sách tuyển chọn từ 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, ghi lược, trả lời phỏng vấn, thư… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong gần 60 năm qua. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Lan tỏa giá trị cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách gồm 03 phần, phần thứ nhất tập trung vào chủ đề văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng – văn hóa toàn quốc, Hội nghị tuyên giáo toàn quốc… Các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên nhiều cương vị, qua các thời kỳ thể hiện tư tưởng nhất quán, thống nhất đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh việc lý giải cụ thể khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các bài viết còn thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ, những yếu tố tác động và định hướng giải pháp cần thực hiện để nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến tiếp tục được kế thừa và phát triển trong thời kỳ mới.
Phần thứ hai của cuốn sách tập trung vào chủ đề phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước. Ở phần này tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa, quá trình xây dựng, phát triển của từng cơ quan văn hóa từ văn học, nghệ thuật đến giáo dục, khoa học, từ báo chí – xuất bản đến xây dựng phong trào học tập, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, phát động các phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần yêu nước.
Bằng tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa và những kinh nghiệm phong phú đúc kết từ thực tiễn công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản… Các bài viết đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, nhất là nhắc nhở những người làm trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phải không ngừng rèn luyện cách nói, cách viết, ngôn ngữ, biểu hiện của người nghệ sĩ, người cầm bút, người sáng tác…
Phần thứ ba của cuốn sách với chủ đề từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống. Phần này đã chọn lọc 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Các bài viết đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam.
Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, dàn dựng nhiều vở diễn về lịch sử, cách mạng để giới thiệu đến đông đảo công chúng.
Nghệ sĩ ưu tú Lịch Sử, Trưởng Đoàn cải lương Hương Tràm bộc bạch: “Tôi rất tâm đắc với tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tinh thần văn hoá là nguồn cội, văn hoá là gốc rễ nó được hun đúc từ đời này qua đời khác và biết bao thế hệ lưu truyền cho đến ngày nay. Văn hoá và văn nghệ là cái gần gũi, dễ tiếp cận, nó là công cụ hữu ích và nhanh nhất để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, còn tạo dựng niềm tin, lòng tự hào dân tộc. Từ đó, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu rộng và hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh giành độc lập và công cuộc đổi mới đất nước của các thế hệ đi trước đã dày công gây dựng nên cơ đồ và vị thế của đất nước ta được như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ như chúng tôi cũng ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong cách sống, lề lối làm việc và đem hết khả năng, tâm huyết để phục vụ Nhân dân như Bác Hồ đã căn dặn “Văn hoá cũng là một mặt trận, anh chị em cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Cà Mau Trịnh Thanh Vũ nhận định: “Tôi rất tâm đắc với cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, trong cuốn sách này đề cập nhiều đến đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay. Trong đó, nổi bật là bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, năm 2021. Qua đó, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của tỉnh Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung càng ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta. Trong đó, cốt lõi là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa. Kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng hiện nay, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” gợi mở nhiều dẫn chứng, bài học kinh nghiệm có giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Đồng thời, định hướng nhiệm vụ cho sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước. Qua đó, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Trúc Đào