Sign In

Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ

18:43 01/11/2024
Để trao đổi, thảo luận và có thêm cách tiếp cận đa chiều cũng như nhiều giải pháp cho định hình, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ nói riêng và hoạt động phát triển kinh tế xã hội nói chung, chiều 1/11/2024, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 4 tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ”.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế  -xã hội của cả nước. Đây là một vùng có tới 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40,6 nghìn km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước; trong đó có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa màu mỡ bậc nhất ở nước ta và trên thế giới; dân số vùng khoảng 17,5 triệu người, chiếm gần 18% dân số cả nước. Là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới.

Lãnh đạo Học viện Chính trị khu vực 4 và Viện KHXH Nam Bộ chủ trì hội thảo.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có 4 cộng đồng dân tộc sinh sống là Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Với 1,3 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58 % dân số của vùng và chiếm 9,28 % số người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer. 

Trong các năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm: “Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau".

Mặc dù có nhiều chính sách được đưa ra và đạt hiệu quả bước đầu, song còn một số hạn chế, bất cập trong công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị cấp cơ sở là nơi trực tiếp tương tác thường xuyên với đồng bào nên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, thực thi chính sách, giúp đưa chính sách vào cuộc sống.

Trong khi đó, sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở đối với các thiết chế địa phương trong triển khai thực hiện chính sách, nhất là chính sách xoá đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc còn yếu và thiếu đồng bộ. Trong khi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Cũng với cách tiếp cận đó cho thấy, Tây Nam Bộ là vùng còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức đối với ổn định chính trị, xã hội; quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội.

Hội thảo nhằm đề xuất giải pháp phát huy vai trò hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ

PGS. TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện khoa học xã hội Nam Bộ, hội thảo là cơ sở xây dựng khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, ban, Bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị về các nội dung như đề cập trên. 18 bài tham luận ở nhiều giác độ khác nhau liên quan đến việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ. Nội dung xoay quanh các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân vận vùng Tây Nam Bộ, trong đó có vấn đề thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho vùng Tây Nam Bộ hiện nay.

Việc đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của hệ thống chính trị cơ sở trong tương quan với công tác dân tộc và những vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt là các vấn đề mới đối với công tác dân tộc trong giai đoạn cách mạng 4.0, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sáng tạo trong giai đoạn mới.

Đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách, các dự báo xu hướng; xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp để hoàn thiện thể chế phát huy vai trò hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.

Qua đó, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao mức thụ hưởng về vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng Tây Nam Bộ./.

Minh Vy

Tag:

File đính kèm