Tích cực tuyên truyền về chuyển đổi số thời gian tới.
Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; báo cáo viên cấp tỉnh; các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; ban tuyên giáo (tuyên huấn); các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền miệng tháng 11/2024.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình xây dựng các dự thảo văn kiện và công tác cán bộ; đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, xuyên tạc nội dung các văn kiện đảng, công tác nhân sự; âm mưu kích động, dụ dỗ, làm gia tăng các điểm nóng, khiếu kiện, khiếu nại đông người…
Tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo định hướng tại Hướng dẫn số 168-HD/BTGTW ngày 23/9/2024 và các văn bản chỉ đạo, đề cương, tài liệu tuyên truyền khác của Ban Tuyên giáo Trung ương trong quá trình triển khai.
Tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Làm sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; nhất là một số quan điểm sau: Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để Nhân dân tham gia hoạt động quản lý Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền pháp luật như hiện nay, cần bổ sung trong sinh hoạt chi bộ đảng các chuyên đề liên quan đến pháp luật; các vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra liên quan đến quyền lợi của người dân; vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cần giải quyết; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm cần được định hướng...
Tuyên truyền chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tập trung nhấn mạnh 3 vấn đề: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ thực hiện trong những tháng cuối năm 2024.
Về công tác phòng chống lãng phí, chú ý phân tích các quan điểm chỉ đạo trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, nhất là các quan điểm: Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí.
Tiếp tục tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X theo Hướng dẫn 124-HD/BTGTW, ngày 30/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương; kết quả thành công của Đại hội lần thứ X; làm sâu sắc nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại khai mạc Đại hội, nhất là những quan điểm sau: Thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xác định rõ đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Mặt trận phải là hạt nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên cần chủ động, tích cực có các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo; tham gia hiệu quả và động viên Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí và tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận trong triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; phương thức vận động, tập hợp phải đa dạng, phong phú, trở thành diễn đàn quần chúng, nơi các tầng lớp Nhân dân thuộc các giới, giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài gặp gỡ, trao đổi thông tin, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng, đối thoại dân chủ, cởi mở.
Về tình hình, kết quả và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tuyên truyền Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, làm rõ đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.
Phân tích đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; những nội dung, tinh thần mới trong các văn kiện Kỳ họp; theo dõi tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân để kịp thời trao đổi thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận, tạo sự đồng thuận trước các quyết sách, các vấn đề quan trọng Quốc hội bàn thảo và quyết định.
Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024, khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều bất định và thiếu vững chắc; nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu “tác động kép” của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại; đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản tại các địa phương phía Bắc, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm.
Đẩy mạnh tuyên truyền 12 nhóm giải pháp trọng tâm, 05 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024. Tuyên truyền chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo (Công điện số 103/CĐ- TTg ngày 7/10/2024); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 (Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024).
Tiếp tục tuyên truyền công tác chủ động phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú ý bổ sung nhiệm vụ “chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng” trong xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ ngành, địa phương nhiệm kỳ tới.
Tuyên truyền công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cùng với nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; bảo đảm đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan, công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng được hưởng thụ, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, trục lợi và lợi dụng từ thiện.
Phân tích những chuyển biến mang tính thời đại của thế giới và khu vực trên lĩnh vực khoa học công nghệ; mục tiêu hướng tới của Việt Nam trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong đó có chuyển đổi số thời gian tới, nhất là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Chương trình chào mừng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Đẩy mạnh tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích trên tất cả các lĩnh vực nhằm tạo niềm tin, khí thế mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng tới kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; các nhiệm vụ của công tác thi đua - khen thưởng thời gian tới (Thông báo số 435/TB-VPCP ngày 25/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuyên truyền đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”; đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc…
Về các hoạt động đối ngoại, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước
Tuyên truyền kết quả các hoạt động đối ngoại, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, đặc biệt là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; tham dự hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ; thăm cấp Nhà nước tới Cuba; dự hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp…của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; tham dự hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn…
Qua đó, khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng, tác động đa chiều tới tình hình trong nuớc, công tác đối ngoại thời gian gần đây tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại Nhân dân, trên cả bình diện song phương và đa phương, góp phần tích cực vào quá trình triển khai toàn diện, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại ổn định, gia tăng tin cậy chính trị, giải quyết các vấn đề vướng mắc, tạo động lực thúc đẩy các mối quan hệ đối ngoại; tiếp tục tăng cường, thúc đẩy cục diện quan hệ đối ngoại tích cực với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; các hoạt động ngoại giao đa phương được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Về một số nội dung quan trọng khác, tiếp tục tuyên truyền và lan tỏa các giá trị tư tưởng trong các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; những tác phẩm viết về đồng chí thời gian qua. Qua đó, khẳng định tình cảm sâu sắc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đối với đồng chí; khẳng định các giá trị tư tưởng trong các tác phẩm của đồng chí luôn là tài liệu, di sản quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm một số sự kiện lịch sử diễn ra trong tháng 11/2024, như: 94 năm ngày Thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024); 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024); 84 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940 - 23/11/2024); 102 năm ngày Sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (23/11/1922 - 23/11/2024); Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024); kỷ niệm 204 năm ngày Sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2024)…
Nguyệt Thanh