Sign In

Chính phủ xác định chủ đề điều hành năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

15:21 05/01/2024
Sáng ngày 05/01/2024, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

Tham dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương và các đồng chí bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

anh tin bai

Ảnh: Các đồng chí chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có đồng chí Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Minh Luân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tham dự còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

anh tin bai

Ảnh: Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, nhanh chóng “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”; tiếp tục triển khai mạnh mẽ 03 đột phá chiến lược; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh của kinh tế thế giới.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cả năm tăng 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỷ USD (GDP bình quân đầu người đạt4.284USD, tăng khoảng 160USD so với năm 2022). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, cả năm tăng 3,83% so với năm 2022, cao nhất trong 10 năm qua; trong đó, xuất siêu nông sản đạt 12,07 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại, tăng 6,82%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022. Công nghiệp từng bước phục hồi, cả năm tăng 3,02%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực.

Thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán trong điều kiện thực hiện miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng, đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương (đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng), bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 03 năm 2024 - 2026. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Xuất nhập khẩu có xu hướng phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (sản lượng lúanăm 2023ước đạt 43,4triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, xuất khẩu gạo 8,34triệu tấn, giá trị đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cao nhất từ trước đến nay). Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 3,42 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022; số dư huy động tiền gửi ngân hàng của nhân dân tiếp tục tăng, đến ngày 27/12/2023 đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023 là gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 3,58%, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp, đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện tăng 3,5%, đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký luỹ kế đạt 22,1 tỷ USD; lợi nhuận chuyển về nước đạt 2 tỷ USD.

Có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm 2022; đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách. Cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh; tích cực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 16,5% GDP. Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có tính lan tỏa cao, tạo động lực phát triển, liên kết vùng. Hiệu quả hoạt động và kết quả kinh doanh, đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cơ bản được cải thiện, hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng so với cùng kỳ.

Thực hiện 03 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực) được chú trọng tập trung thực hiện đạt được kết quả rất tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 16 luật, 29 Nghị quyết, đang cho ý kiến đối với 10 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 126 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, trong đó 46 quy hoạch đã được phê duyệt. Tập trung triển khai Đề án sát nhập đơn vị hành chính huyện, xã đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 12 bậc. Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo, thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao, đây là một điểm sáng trong chuyển đổi số ở nước ta. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông; năm 2023, đưa vào sử dụng 475 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km; khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2… Phát triển mạnh hạ tầng xanh, hạ tầng số hiện đại, đồng bộ; hạ tầng đô thị được tích cực hoàn thiện; hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, ước đạt mục tiêu đề ra là 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; chất lượng giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng lên; tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với khoa học công  nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Quan tâm phát triển ngành thủy lợi, bảo vệ nguồn nước, tài nguyên biển và tích cực gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC). Chú trọng bảo vệ môi trường, thúc đẩy trồng rừng, ban hành Đề án trồng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, lần đầu tiên bán tín chỉ các-bon và phát hành trái phiếu xanh. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai quyết liệt; có những vụ việc sai phạm đặc biệt nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và được quốc tế ghi nhận. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền tiếp tục duy trì ở mức cao (88,4%).

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn phát triển, được cộng đồng quốc tế công nhận; Việt Nam lần thứ 2 trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 6,9%; công tác giảm nghèo tiếp tục là điểm sáng, được quốc tế đánh giá cao; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (còn 2,93%). Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Công tác thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và tạo đồng thuận xã hội.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là về chiến lược. Tiếp tục đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh. Tập trung trấn áp, kiềm chế gia tăng tội phạm, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng, bài bản, liên tục, thành công toàn diện và là điểm sáng nổi bật của năm 2023. Đặc biệt là việc đón tiếp các chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; duy trì được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tập trung xử lý, tháo gỡ nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, đạt kết quả tích cực. Trong đó, tiếp tục xử lý hiệu quả bước đầu 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ đã kéo dài nhiều năm. Hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng, trong đó vận hành chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn sau 21 năm bị gián đoạn, từng bước tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Quyết liệt xử lý, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, phát triển các loại thị trường đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập; tích cực tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản và trong triển khai các dự án bất động sản tại các địa phương…

Trong năm qua, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, khai thác những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, đóng góp vào những thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, nước ta vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần tiếp tục tập trung nỗ lực chỉ đạo khắc phục, trong đó: Tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm các nước cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; sản xuất và cung ứng điện vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ ở thời điểm một số tháng trong năm; hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng chưa đạt yêu cầu đề ra, nợ xấu có xu hướng tăng; thị trường bất động sản còn trầm lắng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn; tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu; thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư còn rườm rà; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa chuyển biến rõ nét; an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; công tác phòng, chống cháy nổ còn để xảy ra một số vụ việc; thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.

anh tin bai

Ảnh: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2024 là năm bức phá, có ý nghĩa rất đặc biệt, quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm (2021-2025) và nhận định năm 2024 tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm,chủ động kịp thời,tăng tốc sáng tạo,hiệu quả bền vững”. Với tinh thần đó, Thủ Tướng Chính phủ yêu cầu phải thể hiện được 5 quyết tâm: (1) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vượt qua mọi thách thức trong các lĩnh vực; (2) Quyết tâm thực hiện “không nói không”, “không nói khó”, “không nói có mà không làm”; (3)  Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và nhân dân hưởng thụ thật; (4) Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi và thành quả đạt được; (5) Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được kết quả tốt nhất trong năm 2024.

Về quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành, đồng chí Thủ tướng Chính phủ thống nhất với 6 quan điểm trong báo cáo đã nêu và các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị; trong đó, đặc biệt lưu ý một số nội dung: Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàn giữa các chính sách, đảm bảo bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và thực chất, hiệu quả, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh và bền vững.

 

 

BAN BIÊN TẬPcvb

Tag:

File đính kèm