Sign In

“Đề cương về văn hóa Việt Nam” - động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người theo hướng bền vững

04:47 27/02/2023

Sáng ngày 27/02/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "08 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu Trung ương và điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có khoảng 86 đại biểu tham dự, do đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì.

Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Cà Mau

Cách đây 80 năm, vào tháng 2/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Đề cương thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người trước hết nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Quan trọng hơn nữa, con người, hay nói chính xác hơn là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Nền văn hóa mới mà Đảng ta hướng tới chính là nền văn hóa thuộc về nhân dân và do nhân dân xây dựng, phát triển vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của nhân dân.

Với vai trò là người lãnh đạo sự nghiệp văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhằm thể chế hóa các quan điểm, tạo lập nền tảng và định hướng cho việc xây dựng khuôn khổ chính sách văn hóa ở Việt Nam. Trong khi đó, Nhà nước từ vị trí là người chỉ huy đã chuyển sang vai trò của nhà quản lý và bảo trợ. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cũng thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thống nhất về hành chính quốc gia và đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh.

Trong giai đoạn hiện nay, vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng này của văn hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua việc triển khai các chiến lược, chương trình với lộ trình phù hợp. Đây chính là kết quả nhận thức có được từ việc kế thừa, phát huy một cách khoa học nền tảng, giá trị mang ý nghĩa khởi nguồn của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ, sâu sắc hơn các vấn đề:

Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa với phát triển văn hóa; nhận thức về những đóng góp của các thành tựu của văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển phải đảm bảo đồng bộ, tổng thể, toàn diện trên tất các các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường.

Hoàn thiện thể chế pháp luật và các chính sách bảo tồn các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa; cần tạo đột phá trong tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong đầu tư các nguồn lực từ nhà nước và xã hội, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải về văn hóa.

Chăm lo, xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, tạo điều kiện cho đội ngũ này phát triển tài năng và sức sáng tạo, cống hiến và hội nhập, phát triển văn hóa cũng như phát triển con người.

Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển; cần có cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực, vật lực, chú trọng đầu tư không chỉ hạ tầng kỹ thuật, mà đặc biệt quan tâm hạ tầng văn hóa - xã hội, tăng cường quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia; hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò cơ chế thị trường, trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa; quan tâm toàn diện về chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo, chủ hể thực hành; phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sự sáng tạo.

Đại biểu tham dự Hội thảo đã xem phóng sự "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển; nghe các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham luận, thảo luận, trao đổi bàn tròn nhằm làm sâu sắc các giá trị văn hóa về lý luận và thực tiễn của Đề cương.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng Hội thảo là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các sự kiện thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023); đồng thời, là diễn đàn học thuật của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố nghiên cứu mới để tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn giá trị lớn lao và tính bền vững của Đề cương; quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương trong tiến trình lịch sử và những thành tự mà văn hóa đạt được trong 80 năm qua; nhận diện những vấn đề cần bổ sung, phát triển, từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục kế thừa, phát huy, phát triển các giá trị của địa phương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, phồn vinh và hạnh phúc của đất nước.

Khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành một phần rất quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc ta, giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu, đó là bài học về kiên định, kế thừa và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cách mạng thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử, là bài học về sự hài hòa và hòa quyện giữa ý Đảng và lòng dân, về chủ trương, đường lối của Đảng để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sự đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

BAN BIÊN TẬP(Tg)

Tag:

File đính kèm